Doanh nghiệp địa ốc 'án binh bất động' trên sân chơi trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3/2025 chứng kiến sự khởi sắc mạnh mẽ nhờ hoạt động phát hành sôi nổi đến từ nhóm ngân hàng và chứng khoán, trong khi khối bất động sản tiếp tục 'vắng bóng' suốt quý 1 vừa qua...

Công ty Chứng khoán MB (MBS Research) vừa công bố báo cáo thị trường trái phiếu tháng 3/2025. Theo dữ liệu từ báo cáo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có tín hiệu khởi sắc trong tháng 3 khi ghi nhận 8 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt gần 17.200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Sự phục hồi mạnh mẽ này phần lớn đến từ nhóm ngân hàng và chứng khoán, trong đó riêng các ngân hàng chiếm tới 68% tổng giá trị phát hành. Trái ngược với sự sôi động của hai nhóm ngành này, khối bất động sản “án binh bất động” trong suốt quý 1, không ghi nhận bất kỳ đợt phát hành nào.

Nguồn: MBS Research
Một số thương vụ phát hành đáng chú ý trong tháng 3 bao gồm: HDBank huy động 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 84 – 96 tháng, lãi suất dao động từ 7,38% đến 7,58%/năm; LPBank phát hành 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 84 – 120 tháng, lãi suất 7,58% – 7,88%/năm; và MBBank phát hành 2.200 tỷ đồng với kỳ hạn 72 tháng, lãi suất 6,18%/năm.
Theo đánh giá của MBS Research, việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu được cho là để tăng quy mô vốn nhằm thực hiện đẩy mạnh hoạt động cho vay trong bối cảnh nhu cầu về vốn đang trên đà hồi phục nhanh. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến hết quý 1 đạt 3,9% – cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 25.100 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ. Dù vậy, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong quý 1 vẫn duy trì ở mức khoảng 7,2%/năm – tương đương mức trung bình của năm 2024. Một điểm đáng chú ý trong quý 1 là sự bùng nổ của hoạt động phát hành ra công chúng với 11 đợt phát hành, tổng trị giá hơn 23.100 tỷ đồng, tăng mạnh 116% so với cùng kỳ.

Ngân hàng tiếp tục là nhóm ngành dẫn dắt thị trường với tổng giá trị phát hành hơn 19.300 tỷ đồng, tăng vọt 377% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 77%. Lãi suất bình quân gia quyền của nhóm này ở mức 6,9%/năm, với kỳ hạn trung bình 6,9 năm.
Bên cạnh đó, khối công ty chứng khoán cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng khi huy động được 5.800 tỷ đồng – gấp hơn 11 lần so với cùng kỳ, chiếm 23% tổng giá trị phát hành. Lãi suất bình quân của nhóm này đạt 8,3%/năm, kỳ hạn trung bình 1,9 năm. Những doanh nghiệp phát hành giá trị lớn gồm có VPS với 5.000 tỷ đồng, Chứng khoán Rồng Việt 500 tỷ đồng và DNSE 300 tỷ đồng.
Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn tiếp tục sôi động trong tháng 3 với giá trị ước đạt gần 9.600 tỷ đồng, tăng mạnh 147% so với tháng trước dù vẫn giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng 11,7% trong tổng giá trị mua lại, trong khi các ngân hàng chỉ chiếm 0,3%.
Lũy kế quý 1, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng đáng kể của nhóm bất động sản – lĩnh vực có giá trị mua lại tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng từ hoạt động mua lại, bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tồn tại những gam màu xám khi tình trạng chậm thanh toán chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Trong tháng 3, thị trường ghi nhận thêm hai doanh nghiệp công bố chậm trả gốc và lãi trái phiếu với tổng giá trị khoảng 516 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước tính lên tới 209.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Nhóm bất động sản tiếp tục là điểm nóng khi chiếm tới 69% trong tổng giá trị chậm trả, cho thấy áp lực dòng tiền tại nhiều doanh nghiệp trong ngành này vẫn còn rất lớn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.