Doanh nghiệp dệt may từng sa thải 4.000 nhân viên thay chủ tịch

Chủ tịch mới của Garmex Sài Gòn chỉ nhận thù lao 6 triệu đồng/tháng, trong khi các thành viên HĐQT nhận thù lao 5 triệu đồng/người/tháng.

 Chủ tịch Garmex Sài Gòn chỉ nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: GMC.

Chủ tịch Garmex Sài Gòn chỉ nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: GMC.

HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) vừa bầu ông Lê Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ 2024-2029, kể từ ngày 5/7.

Theo giới thiệu của Garmex Sài Gòn, ông Lê Văn Hùng sinh năm 1975, có trình độ cử nhân Kế toán. Ông Hùng bắt đầu giữ chức Thành viên HĐQT độc lập của Garmex từ tháng 5/2021, do Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải - cổ đông lớn sở hữu 15,86% vốn GMC - đề cử.

Ngoài ra, ông còn được giới thiệu là Giám đốc Tài chính CTCP Transimex (HoSE: TMS) từ năm 2018 đến nay; đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Bến Thành (HNX: BSC); Thành viên HĐQT tại CTCP Thủy Đặc Sản (UPCoM: SPV) và một số doanh nghiệp khác.

Với việc bầu Thành viên HĐQT độc lập đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, Ban quản trị Garmex nhiệm kỳ 2024-2029 hiện có 4 thành viên từ nhiệm kỳ cũ là các ông Lê Văn Hùng, Nguyễn Việt Cường, Bùi Minh Tuấn, Nguyễn Trần Anh Minh và 1 thành viên mới là bà Nguyễn Thị Diễm My do Công ty CP Dệt may Gia Định (Giditex) đề cử.

Đầu tháng 7, Ban kiểm soát Garmex nhiệm kỳ 2024-2029 cũng có thành viên mới là ông Từ Vĩ Trí cùng 2 thành viên cũ là ông Mai Thanh Tol và bà Trần Thị Thu Yến.

Với bộ máy lãnh đạo kể trên, Garmex cũng đã thông qua kế hoạch chi trả thù lao năm 2024 cho các nhân sự này. Trong đó, vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Lê Văn Hùng dự kiến chỉ nhận thù lao 6 triệu đồng/tháng, trong khi các thành viên HĐQT nhận mức thù lao 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong Ban kiểm soát, vị trí trưởng ban sẽ nhận thù lao 4 triệu đồng/tháng, và thành viên nhận 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở TP.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng và trên 4.000 nhân công. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Tuy nhiện, tại thời điểm 31/12/2023, tổng số lao động của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Tính chung 2 năm gần nhất, doanh nghiệp này đã cắt giảm tổng cộng khoảng 3.775 lao động.

Kể từ năm ngoái, ngành dệt may đã phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Trong đó, vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu đã khiến sức mua và đơn hàng sụt giảm.

Những yếu tố này đã tác động làm cho giá trị xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Trong bối cảnh đó, Garmex Sài Gòn cũng chỉ nhận được một số đơn hàng gia công nhỏ, giá cạnh tranh để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

3 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn chỉ ghi nhận 135 triệu đồng doanh thu do không có đơn hàng. Công ty lỗ trước thuế 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng lỗ gần 16 tỷ đồng.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-det-may-tung-sa-thai-4000-nhan-vien-thay-chu-tich-post1486198.html
Zalo