'Cứu tinh' chặn đà lạm phát tại Mỹ

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người Mỹ được các nhà kinh tế đánh giá sẽ góp phần giảm đà lạm phát của nước này đã kéo dài trong suốt 3 năm qua.

Theo hãng tin AP, người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng chuyển sang tìm mua các mặt hàng giảm giá hoặc đã qua sử dụng, đồng thời cắt giảm tối đa chi phí cho những thứ không phải nhu yếu phẩm. Một số công ty lớn của Mỹ như Amazon, Disney đến Yum Brands đều ghi nhận ngày càng nhiều khách hàng của họ tìm đến các sản phẩm và dịch vụ giá rẻ hơn.

Chia sẻ với tờ Financial Times, Hugh Johnston - Giám đốc tài chính của Disney, thừa nhận nhiều địa điểm giải trí của công ty này đã mất một số lượng lớn khách tham quan giàu có từ Mỹ vào tay những địa điểm khác. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng hạn chế hơn việc mua thú nhồi bông và đồ lưu niệm, dẫn đến lượng sản phẩm tiêu dùng mua tại các công viên giải trí và nhà bán lẻ của Disney giảm tới 5% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát kéo dài kéo theo việc tăng chi phí thực phẩm cùng nhiều mặt hàng khác, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân Mỹ phải “thắt lưng buộc bụng”, nhất là các hộ có thu nhập trung bình và thấp, vốn có nguồn tài sản thanh khoản, như tiền gửi ngân hàng, ít hơn đáng kể so với trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Những căng thẳng tài chính trên gây nhiều rủi ro đối với túi tiền của người tiêu dùng, vốn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ.

Lạm phát kéo dài khiến nhiều hộ dân Mỹ lựa chọn “thắt lưng buộc bụng”. Ảnh: Reuters

Lạm phát kéo dài khiến nhiều hộ dân Mỹ lựa chọn “thắt lưng buộc bụng”. Ảnh: Reuters

Song theo các nhà kinh tế, sự cắt giảm chi phí tiêu dùng hiện tại chưa đủ để gây ra suy thoái. Thay vào đó, việc ngày càng nhiều người tiêu dùng dè dặt hơn trong việc “bạo chi”, buộc các công ty phải giảm mức tăng, thậm chí hạ giá các mặt hàng hoặc dịch vụ của mình, qua đó vô hình chung giảm bớt gánh nặng từ lạm phát.

Giá thành giảm, lạm phát giảm

Hôm 12/8, Ngân hàng Dự trữ Liên bang TP New York ghi nhận kỳ vọng của người Mỹ về số tiền họ sẽ chi tiêu trong 12 tháng tới đã giảm, kéo theo đó là đà giảm của áp lực lạm phát. Theo một cuộc khảo sát từ chi nhánh New York của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), người tiêu dùng kỳ vọng chi tiêu của họ chỉ tăng ở mức 4,9% trong năm tới - thấp nhất kể từ tháng 4/2021, thời điểm lạm phát bắt đầu tăng cao. Triển vọng lạm phát cũng chỉ ở mức 2,3% trong 3 năm tới, con số thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành năm 2013.

Theo AP, kỳ vọng về mức lạm phát thấp cũng kéo theo kỳ vọng giá cả sẽ không tăng nhiều, thậm chí giảm trong tương lai gần. Tâm lý này khiến các hộ gia đình Mỹ có xu hướng trì hoãn việc mua sắm, giúp giảm áp lực về giá cả. Các yếu tố khác cũng góp phần kiềm chế lạm phát như việc phục hồi chuỗi cung ứng giúp tăng nguồn cung xe cộ, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác. Ngoài ra, không thể không kể đến mức lãi suất do FED điều chỉnh làm chậm doanh số bán nhà, xe, trang thiết bị và các giao dịch mua nhạy cảm với lãi suất khác.

Dù Chính phủ Mỹ hôm 13/8 mới công bố chỉ số giá tiêu dùng cho tháng 7, tỷ lệ giá tiêu dùng, nếu không tính phí năng lượng và thực phẩm, được dự báo chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này giảm từ mức 3,3% trong tháng 6 và là tỷ lệ lạm phát cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Doanh số bán lẻ của tháng trước cũng được dự báo sẽ tăng 0,3% so với tháng 6. Điều này cho thấy dù thận trọng hơn về tiền nong, người Mỹ không phải không muốn “bạo chi”.

Nhiều công ty lớn như Amazon hay Yum Brands đã “đánh hơi” được điều này, nên đã đưa ra những chủ trương đẩy giá bán trung bình xuống thấp hơn, và sẽ tiếp tục giảm nếu có thể. “Đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những lựa chọn hợp lý là ưu tiên được chúng tôi tập trung nhiều hơn kể từ năm ngoái”. David Gibbs, Giám đốc điều hành Yum Brands - công ty sở hữu chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh như Taco Bell, KFC và Pizza Hut, tuyên bố trước các nhà đầu tư.

Báo cáo của FED tiết lộ các công ty ở hầu hết 12 khu vực có chi nhánh của cơ quan này đều áp dụng cách thức tương tự, do người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn về giá, chỉ mua những mặt hàng cần thiết hoặc có mức ưu đãi tốt nhất.

Dù vậy, hầu hết các nhà kinh tế ghi nhận mức chi tiêu của người dân vẫn đủ để duy trì nền kinh tế một cách ổn định. Jared Bernstein, người đứng đầu Hội đồng cố vấn kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tuần trước từng đề cập đến sự thận trọng của người tiêu dùng là lý do khiến lạm phát sắp kết thúc “chuyến đi khứ hồi” để trở lại mức mục tiêu 2% của Fed.

Chi tiêu có chọn lọc

Theo ông Bernstein, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng vốn rủng rỉnh hầu bao bởi số tiền nhận được từ các gói trợ cấp, đồng thời cắt giảm chi tiêu của họ cho các dịch vụ trực tiếp. Điều này “mang lại cho một số công ty khả năng định giá linh hoạt, vốn ít phổ biến hơn nhiều trước đại dịch”.

Vì vậy, một số công ty thậm chí còn tăng giá nhiều hơn mức cần thiết để trang trải chi phí đầu vào cao hơn nhằm thúc đẩy lợi nhuận. Ngoài ra, sự cạnh tranh hạn chế trong một số ngành đã khiến một số công ty “tự tung tự tác” hơn trong việc thu phí.

Tom Barkin, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond, lưu ý trước đại dịch, lạm phát vẫn ở mức thấp nhờ sự bùng nổ các hình thức mua sắm trực tuyến giúp việc so sánh giá cả trở nên dễ dàng hơn, cùng với việc giảm chi phí từ các nhà bán lẻ và sản lượng dầu tăng khiến giá xăng ở Mỹ rẻ hơn.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào năm 2021. “Tình trạng khan hiếm lao động, thiếu hụt chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng khắp mọi nơi. Nếu bị người làm vườn đòi tăng thù lao, bạn không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận,” ông Barkin cho biết.

Nhà kinh tế học Isabella Weber tại Đại học Massachusetts (Mỹ) gọi hiện tượng này là “lạm phát từ người bán”. Theo bà, “những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng được ghi nhận công khai” có thể “hợp pháp hóa việc tăng giá” và khiến người tiêu dùng chấp nhận tiêu nhiều hơn.

Song theo ông Barkin, người tiêu dùng giờ đây không còn chấp nhận tình trạng này nữa, mà sẽ có sự cân nhắc kỹ càng hơn trước khi xuống tiền. Đơn cử, họ không còn sẵn sàng bỏ 9,89 USD cho một thùng Coca không đường mà họ từng mua chỉ với giá 5,99 USD. Ông cũng hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục làm chậm tốc độ tăng giá và hạ nhiệt lạm phát.

“Tôi khá lạc quan rằng trong vài tháng tới, chúng ta sẽ thấy những số liệu tốt về lạm phát. Hiện tại, tất cả các yếu tố lạm phát dường như đang lắng xuống,” Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond nhận định.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cuu-tinh-chan-da-lam-phat-tai-my.html
Zalo