Doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia cũng 'đau đầu' với sản xuất, xuất khẩu xanh

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tiến nhanh tới các tiêu chuẩn bền vững, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với áp lực phải 'xanh hóa' chuỗi sản xuất và cung ứng. Nếu không thích nghi, doanh nghiệp sẽ khó thể chen chân, hoặc thậm chí bị loại khỏi các thị trường quan trọng.

Từ lúc nhận danh hiệu sản phẩm thương hiệu quốc gia 2024, ban lãnh đạo một doanh nghiệp đá mài tại tỉnh Hải Dương càng thêm “mất ăn mất ngủ” vì sản xuất xanh, xuất khẩu xanh.

Là doanh nghiệp chế biến khoáng sản đặc thù, đơn vị duy nhất tại Việt Nam luyện ra Corindon (Al2O3), họ đang đứng trước ngã rẽ quan trọng: tiếp tục chế biến sâu – một lĩnh vực phức tạp và rủi ro môi trường – hay đóng cửa dây chuyền, nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để giảm gánh nặng?

Hai lựa chọn đều không dễ dàng

Theo đại diện doanh nghiệp thì cả hai sự lựa chọn này đều không hề dễ dàng. Bởi, nếu tiếp tục chế biến sâu, doanh nghiệp phải giải bài toán xử lý rác thải ở nhiệt độ cực cao – yêu cầu mà chưa đơn vị xử lý rác nào tại Việt Nam đáp ứng được. Doanh nghiệp cũng không thể tự xử lý do các rào cản về thủ tục cấp phép và chi phí. Còn nếu đóng cửa chế biến sâu, nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp lại phải giám sát các tiêu chuẩn xanh từ các nhà cung cấp này.

“Con đường dễ dàng nhất đối với chúng tôi là trở thành đơn vị gia công cho các thương hiệu lớn, không phải đầu tư quá nhiều công sức hay nguồn lực. Nhưng sau khi nỗ lực và được vinh danh là sản phẩm Thương hiệu Quốc gia, ban lãnh đạo chúng tôi rất băn khoăn trăn trở. Làm thế nào để xây dựng một quy trình sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới?”, đại điện doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu 2024 Bộ Công Thương tổ chức hôm 4/12.

Liệu doanh nghiệp sẽ tìm thấy lối đi hay phải chấp nhận “dừng chân” trước giấc mơ bước ra thị trường thế giới? Đây không phải là câu chuyện riêng của một doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trên hành trình sản xuất và xuất khẩu xanh, phải đối mặt với những thách thức tương tự và đang đi tìm lời giải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu 2024.

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, nếu không thực hiện, không tuân thủ các quy định quốc tế thì trước hết doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ ra khỏi các thị trường liên quan trực tiếp đến ngành hàng. “Rất nhiều doanh nghiệp chưa hình dung được những tác động, ảnh hưởng đến chúng ta lớn như thế nào”, ông cho biết.

Từ góc độ của ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Marketing Tập đoàn Tonmat Group, doanh nghiệp đã nhận thức được chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là nhu cầu tất yếu, bắt buộc; đồng thời là cơ hội, định hướng cho doanh nghiệp phát triển.

“Hiện tại chúng tôi đã xuất khẩu sang Nhật, Philippines, Bắc Mỹ và đang nghiên cứu vào thị trường khó tính EU. Ngoài ra, ở thị trường trong nước các chủ đầu tư là doanh nghiệp đến từ châu Âu, có yêu cầu rất cao với các doanh nghiệp, sản phẩm về giảm phát thải và chuyển đổi xanh. Đây là một trong những yếu tố bắt buộc chúng tôi phải chuyển đổi. Chúng tôi xác định nếu chuyển đổi xanh từng bước và thành công thì sẽ có cơ hội thu hút dòng tài chính xanh, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng, mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ”, ông Thắng nêu.

Không còn nhiều thời gian cho doanh nghiệp?

Để doanh nghiệp thực sự chuyển đổi thành công, cần có chiến lược đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ.

“Sự chuyển đổi đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đến sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan”, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ kêu gọi các doanh nghiệp nhận thức được yêu cầu huy động, khai thác nguồn tài chính khí hậu, tạo ra tín chỉ carbon để bù đắp cho các chi phí đầu tư chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng phục vụ sản xuất xanh, xuất khẩu xanh: “Thị trường tài chính khí hậu và tín chỉ carbon không khác gì thị trường chứng khoán mà chúng ta đã hoạt động, thậm chí mang lại nhiều cơ hội hơn”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Văn phòng ADB tại Việt Nam cho biết thời gian không còn nhiều để các doanh nghiệp chuẩn bị, sẵn sàng triển khai tín chỉ carbon nếu muốn xuất khẩu vào châu Âu.

Còn bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia chính sách cao cấp, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) nhấn mạnh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là sự chuyển đổi từ bên trong doanh nghiệp, thái độ và nhận thức của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp thực sự sẵn sàng chuyển đổi nâng cao nội lực thì sẽ đáp ứng được bất kỳ xu hướng nào từ bên ngoài, dù là tiến bộ khoa học công nghệ hay yêu cầu hội nhập và sẽ luôn luôn giữ chân được khách hàng.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-dat-thuong-hieu-quoc-gia-cung-dau-dau-voi-san-xuat-xuat-khau-xanh-1103992.html
Zalo