Doanh nghiệp 'cất cánh', cổ phiếu hàng không chờ lấy đà

Mặc dù nhóm doanh nghiệp hàng không ghi nhận quý III kinh doanh tích cực nhưng trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu này lại khá im ắng trong thời gian gần đây. Chuyên gia cho rằng sau giai đoạn tăng 'nóng', nhóm cổ phiếu này cần thời gian tích lũy chờ 'cú hích' mới để tạo sức bật cho thị giá.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách du lịch, cùng với thị trường hàng không sôi động trở lại, nhiều hãng hàng không và các công ty cung cấp hạ tầng, dịch vụ có liên quan ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III.

Doanh nghiệp hàng không “cất cánh” trong quý III

Điển hình, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN) ghi nhận doanh thu thuần quý III tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, lên 26.600 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 862 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.203 tỷ đồng.

Không kém cạnh, “ông lớn” CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã: VJC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý vừa qua với doanh thu thuần tăng 28% lên 18.164 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt gần 571 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ.

Nhiều hãng hàng không và các công ty cung cấp hạ tầng, dịch vụ có liên quan ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III.

Nhiều hãng hàng không và các công ty cung cấp hạ tầng, dịch vụ có liên quan ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III.

Ở nhóm doanh nghiệp phụ trợ, CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS) đã có một quý “thăng hoa” khi báo lãi sau thuế tăng 45% so với cùng kỳ, lên 186 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã: SAS) báo lãi cao kỷ lục với 180 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST)… cũng là những doanh nghiệp phụ trợ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý III.

Trường hợp Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) giảm 15% xuống 2.339 tỷ đồng, đứt chuỗi 7 quý tăng trưởng liên tiếp, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Đáng chú ý, mặc dù nhóm doanh nghiệp hàng không ghi nhận quý kinh doanh tích cực nhưng trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu này lại khá im ắng trong thời gian gần đây.

Ngược thời gian, trong 6 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu hàng không đã ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục. Trong đó, điểm sáng là cổ phiếu ACV và HVN khi đua nhau liên tiếp lập đỉnh mới chỉ trong thời gian ngắn.

Việc 2 cổ phiếu đầu ngành này bứt phá mạnh đã mang lại "trái ngọt" cho những cổ đông tổ chức, trong đó có những quỹ đầu tư lớn như Pyn Elite Fund (Phần Lan).

Báo cáo đầu tư trong tháng 5 của quỹ cho thấy 2/4 mã tăng giá mạnh nhất trong danh mục đến từ nhóm hàng không là ACV và HVN. Với tỷ trọng đứng thứ hai trong danh mục đầu tư (9%), cổ phiếu ACV tăng giá 24% trong tháng 5, góp phần lớn giúp Pyn Elite Fund có hiệu suất vượt trội mức tăng của VN-Index.

Ngoài ra, một số mã cổ phiếu như SAS (Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất), hay SCS (Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn)… cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số kể từ đầu năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu đã chạy trước kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời nhóm này sau giai đoạn tăng “nóng” cần thời gian tích lũy và chờ “cú hích” mới để tác động mạnh vào giá cổ phiếu.

Chờ “cú hích” mới

Giới phân tích nhận định thời kỳ khó khăn nhất của ngành hàng không đã đi qua. Năm 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành. Lợi nhuận năm 2024 của tất cả các công ty trong ngành sẽ được cải thiện nhờ số lượng hành khách quốc tế tăng lên, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.

Thực tế, việc các hãng hàng không rục rịch thuê, mua thêm tàu bay cho thấy bầu trời đang trở nên sôi động hơn. Đây cũng là xu thế chung của các hãng hàng không quốc gia lân cận.

Mới đây, Vietnam Airlines cho biết đã lên kế hoạch tăng cường chuyến bay cho nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán. Hãng dự kiến thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321, trong đó có 2 tàu thuê ướt (bao gồm tổ bay).

Mỗi tàu bay dự kiến khai thác 180 chuyến trong dịp cao điểm Tết 2025, nếu thuê 2 tàu sẽ có thêm 64.800 chỗ, còn thuê 4 tàu sẽ thêm 129.600 chỗ cho thị trường. Hãng kỳ vọng sớm hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ.

Ngoài thuê tàu bay, Vietnam Airlines cũng sẽ gửi đề xuất đến các nhà sản xuất để mua thêm 50 máy bay thân hẹp trong thời gian tới. Năm ngoái, hãng hàng không này đã ký thỏa thuận tạm thời với Boeing để mua 50 máy bay 737 MAX nhưng thương vụ vẫn chưa hoàn tất, thông tin từ Reuters.

Với chiến lược phát triển đội tàu bay, hồi tháng 7, Vietjet và Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

Trong tháng 10, Vietjet cho biết đã tiếp nhận 3 tàu bay mới và sẽ tiếp tục nhận những tàu bay mới, thân thiện với môi trường trong quý IV năm nay.

Các chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh mua thêm tàu bay để phục vụ lượng khách đang có nhu cầu cao sẽ giúp ngành hàng không phát triển bền vững hơn trong tương lai. Với các quỹ đầu tư và nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, nhóm cổ phiếu hàng không sẽ là một trong những nhóm ngành được lưu tâm nhiều nhất.

Đặc biệt, khi các điều kiện hạ tầng kết nối hoàn thiện và hệ thống sân bay Long Thành, Nội Bài nâng cấp xong thì hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ càng có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Theo đó, các cổ phiếu liên quan đến nhóm hàng không bao gồm ACV – doanh nghiệp điều hành 22 sân bay tại Việt Nam, chiếm khoảng 90% lượng hành khách nội địa và quốc tế tại Việt Nam; các hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet Air và các công ty dịch vụ mặt đất như Taseco, Phục vụ mặt đất Sài gòn (SGN), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài đều có những thế mạnh riêng và tiềm năng phát triển tích cực trong dài hạn.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/doanh-nghiep-cat-canh-co-phieu-hang-khong-cho-lay-da-1103744.html
Zalo