Ngành điều Việt Nam: Số một thế giới nhưng lợi nhuận không cao

Sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng từ 10-12% nhu cầu chế biến và xuất khẩu điều của Việt Nam. Một số doanh nghiệp ngành này đang cân nhắc chuyển nhà máy sang Campuchia, châu Phi để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều theo dạng sơ chế nên lợi nhuận thu về thường không cao. Ảnh: TL.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều theo dạng sơ chế nên lợi nhuận thu về thường không cao. Ảnh: TL.

Ngày càng phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu

Nếu nhìn vào những mục tiêu trong quyết định 579/QĐ-BNN-TT ngày 13-2-2015 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì ngành điều chưa đạt yêu cầu về năng suất. Theo quyết định này, đến năm 2020, diện tích trồng điều cả nước ổn định ở quy mô 300.000 hecta, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/hecta.

Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đến năm 2023, năng suất bình quân chỉ đạt 1,15 tấn/hecta. Tổng diện tích điều dù đạt 320.000 hecta nhưng nếu so với giai đoạn 2005-2008, theo thống kê của Cục trồng trọt, diện tích trồng điều đã giảm khoảng 150.000 hecta.

Theo phía Cục trồng trọt, cơ quan chức năng chỉ có thể đưa ra quy hoạch, hỗ trợ các chính sách để người nông dân yên tâm chứ không thể quyết định hay yêu cầu người dân không chặt điều và trồng cây trồng khác.

Theo Cục trồng trọt, quyết định của người nông dân thường bị chi phối bởi lợi nhuận tức thời. Khi thấy cây trồng bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhà nông sẽ không ngần ngại cân nhắc chuyển đổi giống cây trồng.

Trên diễn đàn Quốc hội, trong kỳ họp hồi tháng 8-2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nói về tình trạng nông dân Bình Phước, nơi nổi tiếng với cây điều, đang ồ ạt chặt bỏ vườn cây để chuyển sang trồng sầu riêng. Lý do được đưa ra là do thu nhập từ sầu riêng khoảng 1 tỉ đồng/hecta, lợi hơn cây điều khoảng 40 triệu đồng/hecta nên người dân phải bỏ vườn. Điều này cho thấy, yếu tố kinh tế đang ngày càng trở thành động lực chính thúc đẩy người nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng.

Chính vì không nguồn nguyên liệu trong nước không đủ nên Việt Nam phải nhập khẩu điều thô từ các nước ngày một nhiều hơn. Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, với 300.000 hecta điều như hiện nay, sản lượng chỉ đáp ứng từ 10-12% nhu cầu nên doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn còn lại.

Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 2,9 triệu tấn điều thô, trong đó có 2,2 triệu tấn đến từ các nước châu Phi.

Hai nguồn nhập khẩu điều thô lớn của Việt Nam là châu Phi và Campuchia. Trong đó, Việt Nam nhập khoảng 700.000 tấn điều thô từ Campuchia mỗi năm, với khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay, gần 99% lượng điều thô Campuchia sản xuất ra là để xuất bán cho Việt Nam. Sự lớn mạnh của ngành điều Campuchia hiện nay một phần nhờ chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật từ Vinacas. Từ nhiều năm trước, do phải phụ thuốc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ châu Phi, Vinacas đã hỗ trợ cây giống, tư vấn kỹ thuật cho nông dân Campuchia trồng điều. Đến nay, nước này trở thành một trong nước cung cấp điều thô lớn nhất cho Việt Nam.

Tuy nhiên, trong một bài viết gần đây về ngành điều trên tờ Khmer Times, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết, khi có nguồn nguyên liệu dồi dào, nước này sẽ tính đến việc đầu tư vào chế biến thay vì chỉ xuất khẩu điều thô. Dĩ nhiên, từ ý tưởng đến khi thành hiện thực cần thời gian nhưng thông tin này cho thấy, ngành điều Việt Nam cần tìm thêm nguồn cung cấp nguyên liệu thô để thay thế cho nguồn cung từ Campuchia.

Tăng chế biến sâu và cân nhắc chuyển nhà máy ra nước ngoài

Theo Vinacas, một trong những thế mạnh để Việt Nam vượt qua Ấn Độ và giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu điều nhân là nhờ vào công nghệ chế biến. Tuy nhiên, dữ liệu từ Tổng cục hải quan cho thấy, xuất khẩu điều của Việt Nam chỉ ở dạng sơ chế, chưa phải là chế biến sâu. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2024, đã có 613.500 tấn điều nhân đã xuất khẩu, giá trị thu về là 3,6 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 19% về lượng và hơn 22% về giá trị so với cùng kỳ 2023.

Ngành điều kỳ vọng, năm nay, có thể thu về khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.

So sánh với số liệu nhập khẩu có thể thấy, lợi nhuận của ngành điều không cao. Năm 2023, Việt Nam đã nhập 2,75 triệu tấn điều thô, tương đương 3,17 tỉ đô la Mỹ; xuất khẩu được 644.000 tấn điều nhân, tương ứng 3,6 tỉ đô la Mỹ.

"Nếu nhập khẩu điều thô về sơ chế và đóng theo gói xuất khẩu thì lợi nhuận của các công ty chế biến điều không cao", CEO một doanh nghiệp điều nói với KTSG Online.

Nói về chế biến sâu, CEO này cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực chế biến sâu hơn, đa dạng hóa sản phẩm nhưng tình hình chung là nhiều công ty đang phải chấp nhận "lấy công làm lời" thông qua xuất khẩu điều nhân.

Nói về tương lai, nhiều doanh nhân cho biết, ngành điều chỉ có thể có gắng chuyển đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Tuy nhiên, chưa có nhiều người công bố con đường chuyển đổi cụ thể trong thời gian tới.

Trong khi đó, trên thị trường đã bắt đầu có tình trạng một số doanh nghiệp rao bán công ty hoặc tính đến việc dời nhà máy sang nước khác, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào hơn.

Mới đây, L.S - một trong những công ty chế biến và xuất khẩu điều thuộc diện lớn nhất của Việt Nam đã rao bán công ty. Theo thông tin của KTSG Online, hiện đã có hai đối tác tìm hiểu và đàm phán. Trong khi đó, giám đốc công ty này đã thành lập một công ty chế biến hạt điều tạ một nước ở châu Phi nhằm mua nguyên liệu tại chỗ để chế biến, xuất khẩu thay vì mua điều thô về Việt Nam để chế biến như đã từng làm nhiều năm qua.

Tại một hội thảo liên quan đến nông nghiệp gần đây, một số doanh nhân cho biết, đang cân nhắc việc chuyển nhà máy sang Campuchia để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở quốc gia láng giềng này. Tuy đây mới chỉ là dự định nhưng việc doanh nghiệp chế biến trong nước phải tính đến việc dời nhà máy sang nước khác do thiếu nguyên liệu là vấn đề lớn mà ngành điều Việt Nam phải suy nghĩ.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-dieu-viet-nam-so-mot-the-gioi-nhung-loi-nhuan-khong-cao/
Zalo