Cần một đề án hỗ trợ công nhân chăm sóc, nuôi dạy con tại các khu công nghiệp
Vấn đề hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp chăm sóc, nuôi dạy con được đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết của tổ chức công đoàn, song đây là lần đầu tiên, tổ chức Công đoàn Việt Nam triển khai một đề án riêng về vấn đề này.
Sáng 26/11, tại Hà Nội, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con”.
Trong 10 năm (2014-2024), các khu công nghiệp và khu chế xuất tiếp tục được thành lập và phát triển ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 431 khu công nghiệp được thành lập tại 221 đơn vị cấp huyện thuộc 59/63 tỉnh, thành phố. Các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu lao động trực tiếp.
Trong đó, có 23 tỉnh, thành phố có từ 50 nghìn lao động trở lên, tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp cần một lượng lớn người lao động và trong quá trình đô thị hóa cũng tạo ra luồng di cư lao động lớn.
Đặc trưng của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là công nhân trẻ nhập cư, mức sống thấp, thời gian làm tăng ca, đời sống còn nhiều bấp bênh. Các gia đình công nhân nhập cư chủ yếu sống trong các nhà trọ, thiếu nhà trẻ, lớp học gần nơi sinh sống và làm việc.
Thu nhập thấp, cha mẹ là công nhân nhập cư khiến việc lựa chọn trường lớp cho con gặp nhiều khó khăn. Nhiều cha mẹ gửi con vào các cơ sở tư nhân không bảo đảm chất lượng. Nhiều vụ bạo hành trẻ diễn ra khiến nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực gia tăng...
Đề án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025-2028, với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả cho công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, cũng như chất lượng nguồn nhân lực.
Trước thực trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế, chính sách giải quyết khó khăn đối với giáo dục mầm non.
Trong đó, giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với các vùng sâu, vùng xa… Điều này là một động lực, đột phá rất lớn về chính sách của Nhà nước trong chăm lo cho con em công nhân lao động.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân cho biết, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và quan tâm toàn diện đến gia đình công nhân lao động, con công nhân lao động là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp công đoàn.
Đề án này là một phần trong các giải pháp lâu dài để cải thiện đời sống cho công nhân lao động, nhất là trong việc chăm sóc con cái của họ, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương nhấn mạnh, trước khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể nào hướng đến trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại nơi có nhiều lao động và tại các khu công nghiệp.
Đồng chí Thái Thu Xương nhấn mạnh, những năm qua, tại các tỉnh, thành phố, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bổ đến hầu hết các địa bàn dân cư. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, công đoàn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội đã nâng cao nhận thức và rất quan tâm công tác trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em;...
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đặt ra trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, như: độ bao phủ chưa toàn diện của chính sách về trẻ em đến con công nhân, hệ quả của tình trạng công nhân lao động ít có điều kiện, thời gian ở bên chăm sóc con cái; công tác xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình với trẻ em; kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ và bảo vệ trẻ em trong các môi trường tương tác (bao gồm cả môi trường mạng)…
Từ những thực tiễn nêu trên, cần thiết có một đề án riêng để hỗ trợ công nhân lao động trong các khu công nghiệp chăm sóc, nuôi dạy con, với mục tiêu cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con của công nhân, lao động; giải quyết một số bất cập đối với công nhân lao động trong việc chăm sóc, nuôi dạy con hiện nay.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, cùng với hội thảo, đề nghị, tổ chức công đoàn tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của công đoàn cơ sở, các cơ quan đoàn thể và công nhân lao động trên cả nước. Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò của ban tham mưu triển khai đề án sẽ tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành đề án.
Đề án đặt ra chỉ tiêu đến năm 2028:
100% con công nhân lao động nơi có tổ chức công đoàn được chăm lo thông qua các hoạt động nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, động viên khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt, vượt khó vươn lên trong học tập…
Phấn đấu mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất có ít nhất 1 nhóm trẻ độc lập tư thục được công đoàn hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với nhóm trẻ độc lập tư thục.