Doanh nghiệp cần tăng tính trách nhiệm đối với hàng hóa xuất khẩu

Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động với chính sách thuế quan mới của Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước càng phải chú ý đến trách nhiệm trong việc sản xuất hàng hóa, đặc biệt ở các khâu nguồn gốc và xuất xứ…

Các doanh nghiệp ngành dệt may đang chạy đua để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trước ngày 1/7/2025

Các doanh nghiệp ngành dệt may đang chạy đua để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trước ngày 1/7/2025

Về khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng trong quý 1/2025, nhất là ở các nhóm hàng chủ lực như may mặc, thủy sản, đồ gỗ… Không ít đối tác Mỹ đã chủ động hủy hợp đồng hoặc hoãn nhận hàng, đồng thời yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam chia sẻ chi phí thuế nếu chính sách mới được ban hành.

“Chúng tôi đã nhận được yêu cầu điều chỉnh giá từ một số khách hàng lớn tại Mỹ. Trong một số trường hợp, đối tác đề nghị chuyển đơn hàng sang Mexico hoặc Indonesia - nơi đang được ưu đãi thuế tốt hơn. Điều này khiến doanh nghiệp Việt rơi vào thế bị động hoàn toàn”, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, ông Trần Việt Anh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi có thông báo tạm hoãn 90 ngày, các doanh nghiệp ngành dệt may đang chạy đua để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trước ngày 1/7/2025, tức là trước khi thời hạn tạm hoãn kết thúc.

Hiện nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang chịu mức thuế tổng cộng khoảng 26%. Tuy nhiên, nếu sau ngày 1/7/2025, mức thuế đối ứng có thể tăng thêm hơn 10% thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, thậm chí không thể bán hàng được do cạnh tranh với các nước như Mexico, Ấn Độ hay Bangladesh (chỉ có mức thuế 25%).

“Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế lần này cho thấy quyết định được đưa ra nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn trong việc đánh giá tính minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu. Vì vậy, ngành dệt may cần thiết phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, từ khâu đầu vào đến đầu ra, để tránh phụ thuộc vào những thị trường có nguy cơ rủi ro cao. Một trong những chiến lược trọng tâm là đẩy mạnh nội địa hóa - từ mức khoảng 20-30% hiện nay lên ít nhất 60% trong thời gian tới, bao gồm cả việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ nguyên liệu là yêu cầu bắt buộc. Chúng tôi đặt ra mục tiêu phải thực hiện bằng được tiêu chuẩn về xuất xứ, tránh để tình trạng doanh nghiệp trong nước bị động hoặc trở thành điểm trung chuyển cho các nguồn nguyên liệu không minh bạch, như một số ý kiến đã từng cảnh báo. Nếu không làm tốt, hệ lụy sẽ rất lớn đối với toàn ngành”, ông Phan Văn Việt nhấn mạnh.

Việc đơn hàng ít đi dẫn đến giảm công suất nhà máy, cắt giảm lao động và lượng tồn kho tăng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã tính đến phương án chuyển hướng thị trường nếu không có tín hiệu tích cực từ đàm phán chính sách. Tình hình càng trở nên phức tạp khi các nhà nhập khẩu Mỹ bắt đầu siết chặt các điều kiện về hồ sơ, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn lao động và môi trường.

TS. Sơn Trần, Đại học SUNY Cobleskill (Hoa Kỳ), cảnh báo, nếu doanh nghiệp không nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chuẩn hóa quy trình chứng từ và truy xuất, họ sẽ không chỉ mất đơn hàng mà còn mất cơ hội tồn tại lâu dài tại thị trường Mỹ. Doanh nghiệp Việt cần tăng tốc nâng cấp chuỗi cung ứng, tuân thủ tiêu chuẩn Mỹ ngay từ đầu chuỗi. Thay vì chỉ gia công, doanh nghiệp Việt nên phát triển thương hiệu riêng để giảm phụ thuộc vào nhà nhập khẩu lớn.

Các chuyên gia khẳng định, việc đổi mới tư duy và nắm bắt các xu hướng toàn cầu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tư duy chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trụ vững mà còn vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, thuế quan Mỹ không chỉ đặt ra thách thức mà còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Biện pháp vừa trước mắt vừa lâu dài cho sự phát triển doanh nghiệp đó là chuyển đổi kép. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tính minh bạch, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, minh bạch về đối tác, minh bạch hơn nữa về thị trường và tăng tính trách nhiệm về giải trình.

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, phí và lãi suất; chuyển đổi số và xanh hóa; đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, mở rộng sang các thị trường mới như ASEAN, Ấn Độ hoặc châu Phi, nơi có nhu cầu cao đối với sản phẩm Việt Nam... Cần nắm sát tình hình, đánh giá tác động đối với ngành hàng và doanh nghiệp của mình; chủ động ứng phó; lên phương án chia sẻ chi phí thuế quan cùng đối tác. Đặc biệt, kịp thời góp ý chính sách, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong các khâu kết nối, trao đổi với đối tác liên quan.

Đây là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, địa phương hóa sản xuất và tăng cường năng lực nội sinh nhằm thích ứng với bối cảnh quốc tế thay đổi. Để vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Trước hết, việc tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, phí và lãi suất là điều quan trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa quy trình, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh tối ưu hóa, chuyển đổi số và xanh hóa là xu hướng tất yếu.

“Doanh nghiệp phải tăng tính trách nhiệm trong việc xây dựng chiến lược dài hạn và áp dụng các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) để giúp doanh nghiệp tăng cường tính bền vững. Đầu tư vào công nghệ mới không chỉ giúp nâng cao hiệu suất mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường từ các thị trường quốc tế”, TS. Lực khẳng định.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-can-tang-tinh-trach-nhiem-doi-voi-hang-hoa-xuat-khau-164015.html
Zalo