Doanh nghiệp cần làm gì khi phán quyết trọng tài bị hủy?

Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, được đánh giá cao nhờ tính nhanh chóng, bảo mật và chung thẩm nên ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ. Bài viết này đề cập đến các trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy và đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp về những việc cần làm kế tiếp.

Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp được đánh giá cao nhờ tính nhanh chóng, bảo mật và chung thẩm nên ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, phán quyết trọng tài (PQTT) có thể bị hủy bỏ theo quy định tại điều 68 của Luật Trọng tài Thương mại 2010 và khi đó doanh nghiệp cần làm những gì?

Các trường hợp PQTT bị hủy

Theo Luật Trọng tài Thương mại 2010, phán quyết trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm, nghĩa là không có khả năng được xem xét lại qua thủ tục phúc thẩm hay giám đốc thẩm như bản án của tòa án. Tuy nhiên, phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ trong những trường hợp nhất định và các trường hợp hủy cũng đã được quy định cụ thể tại điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010, bao gồm: (i) Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; (ii) Thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của luật này; (iii) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy; (iv) Chứng cứ do các bên cung cấp mà hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết trọng tài là giả mạo; (v) Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; (vi) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Có thể thấy, có khá nhiều lý do để tòa án tuyên hủy một phán quyết trọng tài. Trên thực tế, đã có không ít phán quyết trọng tài bị hủy và để lại nhiều ý kiến trái chiều, đơn cử như phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 79/21 ngày 16-12-2022 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) giữa Công ty Cổ phần nước AO, Ông Đỗ Tất T và WP LTD(1). Theo đó, phán quyết này đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hủy theo Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 4-7-2023 với nhiều lý do, trong đó có lý do phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (cụ thể là tài liệu được nguyên đơn cung cấp không được hợp pháp hóa lãnh sự, hội đồng trọng tài không trưng cầu giám định, không bảo đảm tính khách quan khi giải quyết vụ việc).

Một phán quyết trọng tài đã được ban hành vẫn chịu rất nhiều rủi ro bị tòa án hủy. Vì vậy trong bất kỳ trường hợp nào, doanh nghiệp cũng nên lường trước các tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với doanh nghiệp mình khi chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Doanh nghiệp nên làm gì?

Xác định lý do bị hủy. Một trong những điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm ngay sau khi phán quyết trọng tài bị hủy là nghiên cứu quyết định của tòa án để xác định chính xác lý do bị hủy. Việc tìm hiểu rõ lý do này sẽ giúp ích cho doanh nghiệp ở lần tố tụng tiếp theo (nếu có) và cho cả những vụ tranh chấp khác mà doanh nghiệp đang hoặc sẽ là một bên liên quan.

Tìm kiếm phương án hòa giải. Theo quy định hiện hành(2), trường hợp hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên, việc này chắc chắn sẽ không phải là điều mà doanh nghiệp mong muốn, đặc biệt là với những doanh nghiệp có thiện chí muốn vụ tranh chấp được giải quyết ổn thỏa trong thời gian sớm. Lý do, việc bắt đầu lại một chu trình tố tụng có thể khiến doanh nghiệp tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể đến mối quan hệ giữa các bên sẽ gần như không thể cứu vãn và doanh nghiệp cũng không chắc chắn sẽ đạt được kết quả cuối cùng như mong đợi.

Việc hòa giải trong giai đoạn này nếu thực hiện thành công có thể duy trì hoặc phục hồi được một mối quan hệ kinh doanh - điều rất quan trọng trong giai đoạn thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế như hiện nay.

Bắt đầu lại một chu trình tố tụng. Trong trường hợp các bên còn lại trong vụ tranh chấp không có thiện chí thương lượng hòa giải, việc khởi kiện lại tại trọng tài hay tòa án vẫn là giải pháp bắt buộc để giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại khoản 8 điều 71 Luật Trọng tài Thương mại 2010, khi hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài. Điều này có nghĩa rằng, việc khởi kiện lại tại trọng tài phụ thuộc vào thỏa thuận mới giữa các bên chứ không dựa vào thỏa thuận trọng tài đã có trước đó. Điều đáng nói là việc thỏa thuận lại giữa các bên lúc này là không dễ dàng, có khi là không thành. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải khởi kiện vụ án tại tòa án.

Tuy nhiên, việc khởi kiện lại, dù cho được thực hiện tại trọng tài hay tòa án, doanh nghiệp vẫn cần lưu ý những lý do mà tòa án đã sử dụng để hủy phán quyết trọng tài trước đó. Điều này giúp doanh nghiệp tránh phạm phải những lỗi này hoặc chủ động đề nghị cơ quan giải quyết tranh chấp tuân thủ đúng quy định về thủ tục/nội dung trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Lưu ý cho những vụ tranh chấp tiềm tàng trong tương lai. Để tránh trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy một cách đáng tiếc trong những vụ tranh chấp tiềm tàng trong tương lai, doanh nghiệp cần có những chiến lược, giải pháp tố tụng phù hợp và hiệu quả.

Thứ nhất, cần cân nhắc thật sự kỹ càng về việc lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp. Ngoài ưu điểm như tính nhanh chóng, bảo mật, minh bạch, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng có điểm hạn chế, như không thể được thi hành ngay mà đa phần đều phải trải qua thủ tục hủy phán quyết trọng tài. Nếu lúc này phán quyết trọng tài bị hủy, vụ tranh chấp nếu muốn được giải quyết dứt điểm, nó cần phải được giải quyết tại tòa án. Do đó, việc lựa chọn trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp vô hình trung lại không phải là phương án giải quyết tối ưu.

Việc đánh giá, cân nhắc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cần được doanh nghiệp thực hiện ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng, bởi lẽ đây là thời điểm mà các bên sẽ thỏa thuận về điều khoản giải quyết tranh chấp, bao gồm thỏa thuận trọng tài. Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng về lịch sử hoạt động, giao dịch của đối tác, đánh giá tính minh bạch, tuân thủ của đối tác trong hoạt động cũng như các giao dịch mà họ tham gia, để lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp.

Thứ hai, trường hợp vẫn lựa chọn trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy bởi tòa án, từ đó kiểm soát việc tuân thủ các quy định về nội dung và hình thức trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, tránh phát sinh những căn cứ để tòa án có thể lại hủy phán quyết trọng tài.

Kinh nghiệm rút ra từ việc phán quyết trọng tài bị hủy là rất cần thiết trong việc xây dựng các thỏa thuận trọng tài rõ ràng và hợp pháp ngay từ đầu. Điều này cũng sẽ giúp doanh nghiệp có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ quyền lợi của mình trong mọi tình huống, đặc biệt khi tranh chấp không thể giải quyết qua trọng tài. Việc chủ động tìm hiểu quy định pháp lý và sẵn sàng với các phương án phòng ngừa sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn cho những tranh chấp đang và có thể sẽ phát sinh cho doanh nghiệp.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1225914t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập lần cuối ngày 2-1-2025.

(2) Khoản 8 điều 71 Luật Trọng tài Thương mại 2010.

LS. Nguyễn Nhật Dương (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-can-lam-gi-khi-phan-quyet-trong-tai-bi-huy/
Zalo