Doanh nghiệp 'bắt tay' chính quyền làm dự án hạ tầng

'TP. Hồ Chí Minh hy vọng doanh nghiệp có thể tham gia các dự án lớn, nhất là hạ tầng tại thành phố', ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Theo ông Hoan, thành phố sẽ đầu tư hệ thống đường sắt đô thị dài 355 km trong 10 năm tới. Ngoài ra, một loạt các dự án khác cũng đang được thành phố chuẩn bị ngay trong năm 2025 như dự án Vành đai 4 đoạn qua thành phố cần 5.120 tỷ đồng; dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài cần 19.650 tỷ đồng; 5 dự án BOT cửa ngõ đường hiện hữu 44.592 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 cần 5.300 tỷ đồng; cầu Cần Giờ cần 9.982 tỷ đồng, nhà máy xử lý chất thải rắn Tây Bắc cần 5.064 tỷ đồng. Tổng số vốn dự kiến đầu tư hạ tầng cho thành phố khoảng 100.000 tỷ đồng… Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, việc thu hút đầu tư vào các dự án này sẽ góp phần giúp thành phố tăng tốc phát triển, tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.

Hưởng ứng chủ trương này, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng khẳng định, công ty đã tham gia cung cấp kết cấu thép cho các công trình lớn ở nước ngoài như tuyến metro tại Nhật Bản hay đường hầm xuyên biển Đức - Đan Mạch nên đủ năng lực thực hiện các công trình tầm vóc như nhà hát, sân vận động hay trung tâm triển lãm… Ông Dũng cho biết, công ty đang thảo luận với các doanh nghiệp lớn trong nước như Hòa Phát, Coteccons, An Phong để đề xuất thành lập liên doanh chuyên đảm nhận các dự án hạ tầng lớn. Liên doanh cũng hướng đến hợp tác cùng các quỹ đầu tư, ngân hàng trong và ngoài nước để hình thành hệ sinh thái đầu tư toàn diện, từ khảo sát, thiết kế đến tổng thầu thi công.

Mong muốn chung tay cùng phát triển, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố có những giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn vướng mắc cũng như tạo những cơ chế ưu đãi… Để doanh nghiệp có thể tiếp cận các dự án, ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tịch Elisa Group kiến nghị mở cổng thông tin dự án cần tài trợ đầu tư; lập đơn vị chuyên trách giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng quy trình tiếp nhận phù hợp, có phân cấp phân quyền…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cũng góp ý, thời gian tới thành phố cần đẩy mạnh khơi thông những điểm nghẽn của các dự án, nhằm đưa các dự án đi vào vận hành, qua đó tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo các nguồn lực để phát triển. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án Vành đai 3, Vành đai 4, phát triển hệ thống giao thông đường sông và kết nối với mạng lưới đường bộ, đường sắt đô thị để cần tăng cường hạ tầng và năng lực logistics và giảm tắc nghẽn, ô nhiễm và tăng cường khả năng vận tải hàng hóa cũng như phục vụ khách du lịch…

Khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sự phát triển của thành phố, tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng, tại thành phố, có thời kỳ cứ 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra đầu tư thì kéo được 12 đồng vốn tư nhân vào tham gia đầu tư cùng. Điều đó cho thấy, vai trò đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là rất lớn. Ông Lịch cho rằng, cần nhân rộng mô hình tư nhân đầu tư, nhà nước sở hữu và sử dụng công cộng như dự án cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn do doanh nghiệp đầu tư vừa khởi công. Trong đó, ông đề xuất cơ chế khấu trừ thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các công trình công cộng.

Với những băn khoăn, góp ý của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ kích cầu đầu tư theo quy định của nhà nước cũng như bù lãi suất cho doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng sẽ kiến nghị rút ngắn quy trình thủ tục các dự án đầu tư tư nhân.

“Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo thành lập Trung tâm tiếp nhận hồ sơ dự án một cửa, phân tích, hướng dẫn giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, sau đó từng cơ quan có hướng dẫn cụ thể, thay vì đến nhiều nơi…”, ông Hoan nhấn mạnh.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-bat-tay-chinh-quyen-lam-du-an-ha-tang-162600.html
Zalo