Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
Ngoại trừ đột biến tại GEX, các cổ phiếu được khuyến nghị khác chỉ biến động tăng giảm trong biên độ hẹp. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* SSI và BSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu SZC
Trong năm 2025, SZC đặt kế hoạch doanh thu đạt 930,8 tỷ đồng (tăng 6,6% so với năm trước), lợi nhuận ròng đạt 302 tỷ đồng (đi ngang so với năm 2024). Lợi nhuận ròng Q1/2025 tăng mạnh 106% svck lên 134 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu từ hợp đồng với Tripod. Chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với SZC, với giá mục tiêu 1 năm là 34.200 đồng/cổ phiếu (giảm từ 43.200 đồng/cổ phiếu để phản ánh thay đổi trong giả định về giá thuê từ năm 2026).
Bên cạnh đó, do kế hoạch kinh doanh thận trọng, BSC tin rằng SZC sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh 2025. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đánh giá lại triển vọng tăng trưởng dài hạn và định giá của doanh nghiệp khi chính sách thương mại toàn cầu rõ ràng hơn.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan với lợi nhuận sau thuế ước tăng trưởng 106% và ký mới 3 MOU gần 10 ha, nhưng cổ phiếu SZC không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, dù mức giảm không mạnh như tuần trước đó. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm, trong đó phiên 15/4 giảm sàn và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu SZC giảm 1.900 đồng (-5,78%) từ mức 32.900 đồng/CP xuống 31.000 đồng/CP.
* VCI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu GEX
Chúng tôi điều chỉnh tăng 15% giá mục tiêu cho cổ phiếu GEX nhưng hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan khi giá cổ phiếu đã tăng 25% trong 4 tháng qua. Chúng tôi điều chỉnh tăng 3% tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo giai đoạn 2025-29 của GEX, chủ yếu là do dự báo lợi nhuận sau thuế của GEE tăng 60%, lấn át mức giảm 32% trong lợi nhuận của VGC.
Một trong những điểm sáng của thị trường là cặp đôi GEX – GEE khi có tuần giao dịch hồi phục mạnh mẽ cùng thanh khoản sôi động. Trong đó, cổ phiếu GEX đã đón nhận 4 phiên tăng khá tốt, với phiên 14/4 tăng kịch trần và 1 phiên giảm nhẹ ngày 16/4. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu GEX tăng 4.650 đồng (+20,35%) từ mức 22.850 đồng/CP lên 27.500 đồng/CP, với thanh khoản trung bình đạt gần 18,5 triệu đơn vị/phiên.
* TPB khuyến nghị tích cực dành cho CTG, VCB, BID, TCB
Chúng tôi đánh giá cao triển vọng 2025 của CTG nhờ 1) tăng trưởng tín dụng 2024 đạt 16.9%, vượt trội trung bình ngành và các thành viên khác của nhóm Big 4, đây là điều kiện thuận lợi để CTG được NHNN cấp room tín dụng cao tiếp tục trong 2025; 2) biên lãi ròng (NIM) 2024 cao nhất Big 4 giúp CTG có nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay để giành thị phần và thuận lợi hơn dưới áp lực giảm lãi suất cho vay của Chính phủ; 3) chất lượng tài sản cải thiện với nợ xấu có xu hướng giảm và hiện ở mức 1,2% cuối 2024 (chỉ tiêu <1.8%) trong khi hệ số bao phủ nợ xấu tăng lên 171% (đứng thứ 2 toàn ngành, chỉ sau VCB, cao hơn BID).
Bên cạnh đó, kỳ vọng VCB có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 2025 nhờ dư địa cao về chất lượng tài sản tốt và lãi suất cho vay thuộc nhóm thấp nhất ngành. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng xu hướng cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng sẽ ít tác động với VCB do lãi suất cho vay tại VCB đã thấp và tập khách hàng của VCB cũng là tập khách hàng chất lượng, kỳ vọng sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn qua các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, việc nhận chuyển giao bắt buộc CBBank từ tháng 10/2024 cũng sẽ giúp VCB tăng trưởng tín dụng tích cực hơn trong 2025.
Đối với BID, TPS đánh giá cao triển vọng 2025 tích cực nhờ chất lượng tài sản tiếp tục duy trì tốt với 1) hệ số bao phủ nợ xấu (LLR) đứng thứ 3 toàn ngành với 134%; 2) tỷ lệ NPL thấp với 1,4%; 3) LDR ước tính chỉ 83.8%, dưới mức trần 85% của NHNN, theo đó, mặc dù có chịu áp lực từ LDR nhưng chúng tôi cho rằng BID có nhiều khả năng xử lý việc này nhờ vị thế ngân hàng và lợi thế về tăng huy động từ kênh dân, tuy nhiên, chúng tôi vẫn thận trọng kỳ vọng mức LDR cuối năm 2025 sẽ tăng lên mức 84%, vẫn dưới mức trần cho phép của NHNN.
Đồng thời, TPS ưu thích TCB nhờ lợi thế tập khách hàng chất lượng cao, ngân hàng tạo ra được mức NIM cao (4,2%) nhờ chi phí tài chính (COF) thấp 3,3% và quản lý tốt chất lượng giải ngân. Theo đó, TCB có nhiều lợi thế để cạnh tranh cho vay trong nhóm các ngân hàng TMCP như ưu đãi lãi vay, bán chéo sản phẩm.
Dòng bank đã có tuần hồi phục không thành công khi các mã đầu ngành đều chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, dù mức giảm đã thu hẹp đáng kể. Trong đó, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu CTG giảm 950 đồng (-2,47%) từ mức 38.400 đồng/CP xuống 37.450 đồng/CP.
Tương tự, BID cũng ghi nhận 3 phiên giảm và 2 phiên nhích nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu BID giảm 800 đồng (-2,18%) từ mức 36.750 đồng/CP xuống 35.950 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu VCB đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VCB giảm 1.700 đồng (-2,84%) từ mức 59.800 đồng/CP xuống 58.100 đồng/CP.
Với TCB, cổ phiếu này cũng ghi nhận nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu TCB giảm 600 đồng (-2,26%) từ mức 26.600 đồng/CP xuống 26.000 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB
Chúng tôi ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu STB là 46.136 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp định giá So sánh P/B và Residual Income với mức định giá 1,3x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB.
Trái với diễn biến rung lắc và điều chỉnh nhẹ của các mã đầu ngành, cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng là STB tiếp tục có tuần khởi sắc thứ 2 liên tiếp. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu STB tăng 700 đồng (+1,85%) từ mức 37.850 đồng/CP lên 38.550 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDC
Về dài hạn, chúng tôi đánh giá cao sự cải thiện về sức khỏe tài chính và vị thế thanh khoản của HDC cho chu kì đầu tư mới. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu HDC với mức định giá hợp lý là 32.037 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HDC đã bớt u ám hơn tuần trước khi có những phiên khởi sắc, tuy nhiên, mã này vẫn chưa thoát được trạng thái điều chỉnh giảm trong tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên giảm, trong đó phiên 15/4 giảm sát sàn và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu HDC giảm 650 đồng (-2,83%) từ mức 23.000 đồng/CP xuống 22.350 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPR
Chúng tôi đánh giá triển vọng cơ bản CTCP Cao su Đồng Phú (DPR – sàn HOSE) tương đối lạc quan trong năm 2025 dựa trên: (1) Hoạt động kinh doanh sản phẩm cao su tăng trưởng về nhu cầu và giá bán; và (2) Nguồn thu từ đền bù đất và thanh lý cây cao su. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu DPR với giá mục tiêu 45.349 đồng/cp, dựa trên triển vọng tích cực của doanh nghiệp trong các năm tới.
Trái với nhận định của VCBS, dù đã đảo chiều hồi phục trong 2 phiên cuối tuần, nhưng “không đủ” để giúp cổ phiếu DPR thoát khỏi tuần mất điểm. Tính chung tuần qua, với 3 phiên giảm, trong đó phiên 15/4 giảm sàn và 2 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu DPR giảm 2.150 đồng (-5,69%) từ mức 37.800 đồng/CP xuống 35.650 đồng/CP.
* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PLC
Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu đối với PLC với khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 29.050 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời dự phóng là 27,9%, bao gồm lợi suất cổ tức dự kiến là 4,3%). PLC là nhà sản xuất nhựa đường hàng đầu với 30% thị phần, công suất lớn nhất, gấp đôi đối thủ cạnh tranh gần nhất và sở hữu 7 nhà máy được đặt ở các vị trí chiến lược trên cả nước. Công ty cũng nắm giữ 6% thị phần trong lĩnh vực dầu nhờn.
Cổ phiếu PLC tiếp tục có tuần tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng cả tuần qua, giá cổ phiếu PLC tăng 400 đồng (+1,77%) từ mức 22.600 đồng/CP lên 23.000 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BAF
Chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng năm 2025 của BAF đạt 659 tỷ đồng, tăng 107% so với năm trước chủ yếu nhờ sản lượng heo dự kiến tăng 43% và giá heo dự báo tăng 10%. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BAF với giá mục tiêu 35.500 đồng/CP.
Thông tin dự kiến trình tại ĐHCĐ tới đây về kế hoạch không chia cổ tức năm 2024 đã không làm cho cổ phiếu BAF kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu nông nghiệp nói chung. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu BAF tăng 1.350 đồng (+4,31%) từ mức 31.300 đồng/CP lên 32.650 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM
Trong năm 2025, BSC dự báo VNM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số lần lượt đạt 64.398 tỷ đồng (tăng 2% so với năm trước) và 9.564 tỷ đồng (tăng 1,8%), thay đổi lần lượt giảm 2,5%/ giảm 8,2% so với dự phóng cũ, tương đương EPS 2025 là 4.096 đồng/CP, PE FW 2025 là 15 lần. BSC duy trì khuyến nghị mua vào đối với cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE) với giá mục tiêu bằng 71.300 đồng/CP.
Cổ phiếu VNM đã có tuần rung lắc và điều chỉnh nhẹ cùng thị trường sau khi hồi phục nhẹ trong tuần trước. Cụ thể, với 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu VNM giảm nhẹ 900 đồng (-1,57%) từ mức 57.500 đồng/CP xuống 56.600 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HHV
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) và đưa ra giá mục tiêu trong 1 năm là 13.000 đồng/cổ phiếu và đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HHV.
Mới đây, HHV đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 khá ấn tượng với lợi nhuận ước đạt khoảng 160 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận sau thuế quý cao nhất từ trước đến nay và cổ phiếu này cũng đã có tuần giao dịch khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng đầu tuần và 2 phiên đứng giá vào cuối tuần, tổng cộng giá cổ phiếu HHV tăng 450 đồng (+3,95%) từ mức 11.400 đồng/CP lên 11.850 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG nhưng hạ giá mục tiêu theo phương pháp SOTP xuống 69.000 đồng/cp (từ 73.000 đồng/cp), phản ánh sự điều chỉnh cả về ước tính lợi nhuận và hệ số mục tiêu (P/E mục tiêu từ 11x xuống 9x) cho mảng sản phẩm công nghệ & điện máy.
Mặc dù có chút rung lắc nhẹ trong 3 phiên cuối tuần, nhưng MWG vẫn giữ được mức tăng tốt trong tuần qua, bên cạnh thông tin quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã đưa cổ phiếu MWG trở lại top danh mục sau 5 năm chốt lời mã này. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, trong đó phiên 14/4 tăng trần, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng 3.300 đồng (+6,24%) từ mức 52.900 đồng/CP lên 56.200 đồng/CP.