Hà Nội kịp thời ban hành chính sách về phát triển nguồn nhân lực
Chiều 18-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao'.
Cùng tham gia đoàn giám sát có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải.
Về phía thành phố Hà Nội, tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Việt Tuấn
Đổi mới phương thức tổ chức tuyển dụng
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, giai đoạn 2021-2024, thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực này.
Thành phố đã triển khai bài bản, khoa học, đúng quy định; nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Việt Tuấn
Thành phố đã chỉ đạo cơ quan liên quan nghiên cứu quy định pháp luật, đổi mới phương thức tổ chức tuyển dụng để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực trong quá trình tuyển dụng. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã tổ chức 3 kỳ thi tuyển công chức hành chính, tuyển dụng được 437 công chức. Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã tổ chức tuyển dụng mới 7.091 viên chức.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí theo yêu cầu vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng hoặc đang giữ, phát huy tốt năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Để thu hút, đãi ngộ nhân tài chất lượng cao, thành phố đã có một số cơ chế: Quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi; các ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ nghiên cứu...
Hằng năm, thành phố tổ chức tuyên dương, vinh danh sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn để động viên, khích lệ tinh thần hiếu học của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến; đồng thời, xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên thủ khoa xuất sắc vào cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố, đóng góp nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND thành phố về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, từ năm 2014 đến năm 2017, thành phố đã thu hút được 91 người vào công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; tổ chức tuyên dương, khen thưởng, vinh danh 1.183 thủ khoa xuất sắc.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội cung cấp thông tin: Số cán bộ, công chức, viên chức rời khu vực công sang khu vực tư; kế hoạch, tiến độ HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư các cơ sở trọng điểm quốc gia, dùng ngân sách thành phố đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức của Hà Nội, hỗ trợ học nghề chất lượng cao... để thi hành Luật Thủ đô 2024; chế độ chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi; chia sẻ thêm kinh nghiệm trong thu hút, trọng dụng nhân tài…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Tuấn
Tạo điều kiện để Hà Nội thực hiện 9 nhóm cơ chế chính sách trong Luật Thủ đô
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, Hà Nội rất quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đó là động lực quan trọng để phát triển. Đặc biệt, Hà Nội đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài. Mới đây, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành các nghị quyết về chế độ đãi ngộ với các vận động viên thành tích cao, học sinh giỏi đạt giải quốc tế với mức thưởng cao...
Đáng lưu ý, để triển khai Luật Thủ đô 2024, HĐND thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, hiện UBND thành phố đang tiếp tục triển khai xây dựng các nghị quyết để thông qua tại kỳ họp chuyên đề của HĐND vào cuối tháng 4-2025 và kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Hà Nội thực hiện 9 nhóm cơ chế chính sách trong Luật Thủ đô, đưa Luật đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Việt Tuấn
Sau khi nghe một số sở, ngành chức năng của thành phố Hà Nội làm rõ một số nội dung đoàn giám sát quan tâm, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách giáo dục; thực hiện hiệu quả các chủ trương, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh cũng lưu ý, Hà Nội cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng các ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo (chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng khác); hiện đại hóa cơ sở vật chất, đẩy mạnh mô hình đào tạo kết hợp thực hành tại doanh nghiệp, tập trung đầu tư cho các cơ sở và ngành nghề trọng điểm.
Đồng thời, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng các chính sách ưu đãi phù hợp.
Đi đôi với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong giáo dục và quản trị nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực.
Đoàn giám sát cũng ghi nhận các nhóm giải pháp, kiến nghị của thành phố Hà Nội và đề nghị UBND thành phố hoàn thiện báo cáo, bổ sung, chỉnh lý nội dung trên cơ sở tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận, gửi lại cho Đoàn giám sát.