Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý các dự án luật về lĩnh vực ANTT
Những ý kiến góp ý cụ thể, chất lượng của các sở, ngành, đơn vị ở Hà Tĩnh sẽ góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các dự án luật về lĩnh vực an ninh trật tự.
Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 21/4, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật về lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị cùng dự.

Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các dự án luật được lấy ý kiến góp ý của đại biểu gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 3 phần, 25 chương, 411 điều; sửa đổi, bổ sung 231 điều so với Bộ luật Hình sự năm 2015. Nội dung chủ yếu của dự thảo nhằm nâng định lượng là tiền đối với các tội danh có định lượng là tiền làm căn cứ định tội, định khung hoặc có hình phạt tiền; mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội liên quan đến mua bán người, bắt/giữ hoặc giam người trái pháp luật; mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với 9 tội liên quan tới lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm/tàng trữ/vận chuyển/lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác; bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính...

Thượng tá Nguyễn Hùng Cường - Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cho ý kiến về Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều, quy định 7 nội dung chính, trong đó: xây dựng nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân...
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) gồm 9 chương, 55 điều; được xây dựng nhằm phù hợp với thực tiễn xây dựng mô hình công an địa phương 2 cấp.

Thượng tá Nguyễn Hoài Việt - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm 5 chương, 45 điều; trong đó, xây dựng mới 18 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 14 điều, bỏ 1 điều so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Dự thảo Luật Dẫn độ gồm 5 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ...
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo các luật; đồng thời, cho ý kiến cụ thể vào các nội dung.
Liên quan tới Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu cho rằng, quy định về bắt buộc chữa bệnh cần được đề cập rõ ràng hơn trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; cần có hướng dẫn cụ thể tội tổ chức đánh bạc đối với 10 người trở lên trong cùng một lúc.
Các ý kiến cho rằng, đối với Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) cần: quy định về mối quan hệ phối hợp của các cơ quan sau sáp nhập; đặt ra tiêu chí cụ thể về bổ nhiệm điều tra viên; tăng thẩm quyền chức năng nhiệm vụ của cơ quan cấp xã để giảm áp lực cho cơ quan điều tra cấp tỉnh…

Thượng tá Võ Châu Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung liên quan đến tội tổ chức đánh bạc.
Đối với Luật Dẫn độ, nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc bổ sung định nghĩa một số thuật ngữ giúp cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là lực lượng công an có cơ sở pháp lý rõ ràng khi xử lý các yêu cầu dẫn độ liên quan tới tội phạm chính trị, quân sự và nguyên tắc có đi có lại; bổ sung nguyên tắc “bảo vệ quyền con người”, “không dẫn độ nếu có nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo” giúp Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế và đảm bảo quyền con người trong quá trình dẫn độ; bổ sung nội dung liên quan tới bắt khẩn cấp…
Đối với Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đại biểu góp ý: đối với văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các tài liệu kèm theo, cần bổ sung tài liệu bàn giao là hộ chiếu thay vì bản sao như dự thảo luật quy định…
Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài với những hành vi vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân; kiến nghị tăng mức xử phạt hành chính; bổ sung quyền được khôi phục dữ liệu cá nhân; bổ sung xác định bản chất pháp lý của dữ liệu cá nhân; làm rõ hành vi bị cấm về mua, bán dữ liệu cá nhân…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao các ý kiến góp ý tại hội nghị.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá, các đại biểu đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, những ý kiến, kiến nghị sẽ được đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, chọn lọc để tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2025. Tại kỳ họp này, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội theo 2 đợt, giữa 2 đợt họp là 14 ngày để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội không chuyên trách giải quyết các công việc tại cơ quan, đơn vị.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ sửa đổi Hiến pháp; xem xét thông qua 30 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật; tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
Đây cũng là kỳ họp dài nhất và số lượng công tác lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhằm kiến tạo không gian phát triển mới phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu bước vào kỷ nguyên mới.