Hà Nội: Lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết liên quan đến việc tổ chức, hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa; các khu phát triển thương mại văn hóa.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa” với sự tham gia của các sở, ngành, đơn vị; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện làng nghề, nghệ sĩ...

Hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp cho các dự thảo Nghị quyết quan trọng đang được Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng, liên quan đến việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa và các khu phát triển thương mại - văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại sáng tạo và tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Dự thảo Nghị quyết về quy định tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa;

Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) lại quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa.

 Ảnh minh họa: hanoimoi.vn.

Ảnh minh họa: hanoimoi.vn.

Dự thảo Nghị quyết về quy định tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa quy định gồm 5 chương, 24 điều.

Trong đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được định nghĩa là “khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa”. Các trung tâm này có thể được thành lập theo 3 mô hình tổ chức: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc hợp tác xã.

Dự thảo đề xuất một khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa - nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc đề xuất hai phương thức chính để phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa.

Phương thức thứ nhất là Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng ngân sách, sau đó thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoặc nhượng quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã để quản lý, vận hành.

Phương thức thứ hai là cho các tổ chức, cá nhân thuê công trình tài sản công (như các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại cũ đã di dời) để cải tạo, sửa chữa thành trung tâm công nghiệp văn hóa.

Đây được coi là một bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi công năng các công trình cũ, không còn sử dụng hiệu quả, thành không gian sáng tạo văn hóa mới, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Để khuyến khích đầu tư, dự thảo đề xuất nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất, miễn giảm tiền thuê đất, miễn tiền thuê công trình trong 3 năm đầu và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo, hỗ trợ lãi suất vay vốn, đào tạo nhân lực và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố.

Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa gồm 4 chương, 18 điều.

Trong đó, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập trên cơ sở khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân về dự thảo Nghị quyết để hoàn thiện trước khi trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Dự kiến, sau khi được thông qua, Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, đồng thời đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo được nguồn thu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô.

Nhằm hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết và mở rộng kênh tham vấn ý Nhân dân, tổ chức, chuyên gia và các bên liên quan, thành phố Hà Nội tiếp tục tiếp nhận thêm góp ý đến hết ngày 26/4/2025 tại mục Lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội qua các đường link sau:

(1) Dự thảo Nghị quyết về quy định tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa:

https://vanban.hanoi.gov.vn/du-thao-cac-van-ban-lay-y-kien-dong-gop/du-thao-nghi-quyet-cua-hdnd-thanh-pho-ve-quy-dinh-ve-to-chuc-va-hoat-dong-cua-trung-tam-cong-ngh-2292;

(2) Dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa:

https://vanban.hanoi.gov.vn/du-thao-cac-van-ban-lay-y-kien-dong-gop/du-thao-nghi-quyet-cua-hdnd-thanh-pho-ve-khu-phat-trien-thuong-mai-va-van-hoa-2293;

Ngoài đóng góp ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nhân dân, tổ chức, chuyên gia và các bên liên quan còn có thể gửi góp ý qua các kênh sau:

1. Nền tảng iHanoi

2. Cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/

3. Email: vanthu_sovhtt@hanoi.gov.vn

Mộc Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ha-noi-lay-y-kien-du-thao-nghi-quyet-ve-hoat-dong-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa-post250784.gd
Zalo