Phóng sự điều tra: Quần thảo lòng sông Thạch Hãn - Thế giới khác trong bóng tối
Tài nguyên thất thoát, làng mạc bị đe dọa, người dân mất dần sinh kế… là những gì 'sa tặc' gây ra dọc sông Thạch Hãn.
Người dân bất lực trước tình trạng khai thác cát trái phép ngang nhiên, rầm rộ và dai dẳng.
Ban ngày, sông Thạch Hãn chảy qua TP Đông Hà và các huyện Triệu Phong, Gio Linh của tỉnh Quảng Trị chở đầy sức sống với hình ảnh người dân nói cười hoặc thong thả tựa mạn thuyền buông lưới. Một "thế giới" khác chỉ mở ra lúc nửa đêm.
Ngang nhiên tạo "công trường"
Lúc 1 giờ 45 phút rạng sáng 18-4, đoạn sông uốn mình qua khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương (TP Đông Hà) nhòe đi bởi ánh đèn đường hắt xuống.
Ở giữa lòng sông, nơi gần chân cầu Thạch Hãn 1, xuất hiện hàng chục chiếc tàu đua nhau hút cát lên. Nhìn từ xa, ánh đèn pin trên những phương tiện ấy lập lòe như đom đóm.

Hút cát trên sông Thạch Hãn đoạn giáp ranh xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong và xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Ảnh: HÀ PHONG
Cả khu vực chìm trong tiếng máy nổ. Máy quay của phóng viên lia một đường vòng cung rồi tập trung vào chiếc tàu gần nhất. Trên tàu này, 3 người đàn ông đầu đội đèn pin hiện ra với vẻ bận rộn.
Các thao tác với máy móc, vòi hút của họ tạo nên một cầu vồng với cát từ đáy sông phun lên khoang tàu. Khoảng nửa giờ, nước bắt đầu tràn ra khoang, chỉ dấu cho thấy tàu đã "no" cát.
Một người đàn ông đi lại trên khoang để kiểm tra, nước lấp xấp ngang cổ chân. Sau đó chiếc tàu tắt máy, từ từ di chuyển về phía cầu Đại Lộc (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong). Trong khi đó, nhiều chiếc tàu khác vẫn hoạt động hết công suất, tàu này đến, tàu kia lại đi. Đến 4 giờ sáng cùng ngày, chiếc tàu cuối cùng mới tắt máy hút, xuôi dòng về nơi tập kết.
Đêm cùng ngày, trời Đông Hà đổ mưa, những tưởng việc hút cát sẽ không diễn ra, nhưng không...
Lúc 22 giờ 30 phút, tại quãng sông trên, nhiều chiếc tàu đã đóng neo và thả vòi. Tiếp đó, một loạt tàu khác kéo đến. Tiếng máy nổ, ánh đèn pin chớp, bóng người di chuyển… nhìn xa không khác gì một đại công trường.
Các đêm tiếp theo, việc hành hạ đáy sông Thạch Hãn diễn ra tương tự với tính chất rầm rộ và công khai.
Trong khi đó, đoạn sông qua thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong), tình trạng khai thác cát trái phép ngang nhiên không kém. Lúc 3 giờ 2 ngày 17 và 18-4, có 4-5 chiếc tàu lần lượt chạy tới, máy nổ vang khúc sông và khói đen tỏa lên một góc trời.
Theo quan sát tại khu vực này, 2 chiếc tàu neo cố định để hút cát lên khoang. Sau đó, cát được bơm qua những tàu khác để vận chuyển về nơi tập kết.
Câu trả lời như dấu hỏi
Để làm rõ đường đi của nguồn tài nguyên bị hút lên thô bạo, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo dấu những chiếc tàu không số hiệu trên sông Thạch Hãn.
Tại khu vực gần chân cầu Thạch Hãn 1, "ăn" no cát xong, một số tàu lần lượt chạy về phía chân cầu Đại Lộc (xã Triệu Thuận). Ở đây có 2 bãi tập kết cát nằm sát bờ sông. Ngoài ra, không ít tàu lưu thông về phía khu vực gần ngã ba sông Vĩnh Phước (phường Đông Lương) để san cát.

Tàu hút cát “nghỉ ngơi” dưới chân cầu Đại Lộc. Ảnh: HÀ PHONG
Lúc 1 giờ 40 phút ngày 18-4, tàu cát liên tục tấp vào 2 bãi tập kết chân cầu Đại Lộc. Một đường ống nối từ tàu lên các bãi cát, máy nổ ì ầm đưa cát lên. Đến khi rỗng khoang, tàu lập tức xuôi dòng về phía khu vực chân cầu Thạch Hãn 1, cách đó khoảng 1 km để tiếp tục "ăn hàng".
Một đêm có hàng chục chuyến tàu chở cát rời đi để rồi sau 4 giờ mặt sông tĩnh lặng như chưa từng bị quần thảo đến tan tác. Khi đó, gà bắt đầu gáy và "bóng đêm" tạm nhường chỗ cho sự yên bình của ban ngày.
Theo lãnh đạo UBND xã Triệu Thuận, 2 bãi tập kết phía chân cầu Đại Lộc nằm ở thôn Dương Đại Thuận do bà N.T.V và bà P.T.C làm chủ.
Vị này khẳng định 2 bãi được cấp trên quy hoạch, cho thuê đất và cấp phép hoạt động. Riêng nguồn gốc cát, lãnh đạo UBND xã Triệu Thuận trả lời "không rõ".
Còn khu vực thôn Gia Độ (xã Triệu Độ), mỗi đêm sau khi bơm cát lên khoang, các tàu tiến về các bãi tập kết bên kia bờ sông, cách vị trí khai thác khoảng 1 km. Các bãi tập kết này nằm giáp ranh 2 xã Gio Mai và Gio Quang của huyện Gio Linh.
Quan sát cho thấy địa điểm giáp ranh ấy có 3 bãi tập kết cát với khối lượng khổng lồ, lớn đến nỗi người dân địa phương ví von chúng "cao như núi".

Một trong nhiều bãi tập kết cát từ các con tàu. Ảnh: HÀ PHONG
Theo tìm hiểu của phóng viên, sông Thạch Hãn đoạn chảy qua địa phận TP Đông Hà, huyện Gio Linh và các xã Triệu Thuận, Triệu Độ (huyện Triệu Phong) không có mỏ cát nào được cấp phép. Như vậy có thể khẳng định việc khai thác cát diễn ra ở những khu vực nêu trên là trái phép.
Thời gian qua, người dân những địa phương liên quan nhiều lần kiến nghị ngăn chặn, xử lý nạn "sa tặc" trên sông Thạch Hãn nhưng tình trạng này không dừng lại mà có dấu hiệu rầm rộ hơn. Tình trạng này khiến họ lo lắng và bức xúc.
Bất lực
Ông T.D (60 tuổi, ngụ xã Gio Mai) mưu sinh bằng nghề rớ chàn trên sông Thạch Hãn nhiều năm nay. Đôi mắt ông đỏ hoe, thâm quầng, dấu hiệu cho thấy nhiều đêm mất ngủ.
"Tôi làm nghề này, cả đêm túc trực ở chòi giữa sông. Lâu nay họ hút cát rầm rập không tài nào ngủ được. Đã mất ngủ, tổn hại sức khỏe mà thu nhập lại èo uột hơn xưa" - ông D. than vãn.
Mái chòi lá ông D. dựng giữa sông Thạch Hãn cách bờ khoảng 100 m. Từ 18 giờ đến sáng sớm mỗi ngày, ông túc trực trên đó để cất rớ, kiếm cá tôm mưu sinh.
Trước kia, bình quân một đêm ông kiếm được 300.000 - 400.000 đồng nhưng nay miệt mài mấy cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Chưa kể, do khai thác cát trái phép, rớ chàn đặt dưới đáy sông liên tục bị bung cọc, ông phải tốn nhiều công sức ngụp lặn khắc phục.
Ông T.D bên đoạn lở của sông Thạch Hãn. Ảnh: HÀ PHONG
Chỉ tay về quãng sông gần mái chòi cất rớ chàn khoảng 50 m, ông D. kể đêm nào cát cũng bị hút.
"Việc mưu sinh của anh em sông nước chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều quá, ai cũng kêu. Nhiều khi, tôi chèo ghe ra tàu hút cát nói với họ rằng anh mưu sinh, tôi cũng mưu sinh nhưng anh nên làm xa ra để chừa chúng tôi con đường sống. Thế mà họ lặng im, càng làm rầm rộ hơn, đêm này qua đêm khác. Tôi chỉ còn nước quỳ lạy, van xin họ thôi" - ông D. nói với vẻ bất lực.
(Còn tiếp)