Đoàn ĐBQH Hà Giang tham gia thảo luận tổ về các dự thảo Nghị quyết và Luật
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, chiều 15.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Trưởng đoàn Lý Thị Lan tham gia thảo luận. Ảnh: CTV
Tại tổ 6, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã góp ý nhiều nội dung quan trọng vào Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan đồng tình với dự thảo Nghị quyết và báo cáo tiếp thu chỉnh sửa. Đặc biệt ghi nhận việc Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung đối tượng hưởng chính sách là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại địa phương theo tinh thần Nghị quyết 66. Trưởng đoàn ĐBQH cho biết dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hơn về cơ chế hướng dẫn cụ thể để đảm bảo chính sách hỗ trợ này được áp dụng đầy đủ và kịp thời cho đại biểu chuyên trách tại các đoàn ĐBQH tỉnh.
Cũng liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách: Trưởng đoàn đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đối tượng là công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và ĐBQH (trực tiếp tham mưu phục vụ Đoàn ĐBQH) vào khoản 1 điều 7 dự thảo Nghị quyết thay vì để thuộc nhóm "đối tượng khác do Chính phủ quyết định" tại điểm C khoản 1 điều 7. Đồng thời bổ sung vào mục 6 phụ lục 1, quy định rõ chức danh (Chánh, Phó Chánh văn phòng phụ trách công tác Quốc hội) và chuyên viên trực tiếp phục vụ Đoàn ĐBQH là đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Về đối tượng các Ban chuyên trách của HĐND tỉnh: Dự thảo quy định đối tượng hưởng là đại biểu chuyên trách của Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần xem xét lại vì thực tế tại địa phương, các ban khác (như Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách...) cũng có trách nhiệm thẩm tra và xây dựng về vấn đề pháp luật mà không chỉ riêng Ban Pháp chế… Do vậy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần quy định rõ ràng các đối tượng được thụ hưởng chính sách, nếu không sẽ gây không công bằng khi triển khai thực hiện…

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị làm rõ khái niệm “hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”. Theo đại biểu, đây là khái niệm then chốt nhưng hiện chưa được định nghĩa cụ thể trong dự thảo Luật, gây khó khăn trong áp dụng thực tế. Đồng thời, đại biểu đề xuất tách bạch rõ ràng giữa vị trí và chức năng của lực lượng tham gia, từ đó khẳng định vai trò của Việt Nam không chỉ ở khía cạnh quân sự mà còn là lực lượng kiến tạo, bảo vệ hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.
Để bảo đảm tính minh bạch, đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể hơn chức năng của lực lượng Việt Nam, như bảo vệ dân thường, hỗ trợ nhân đạo, thúc đẩy nhân quyền, xây dựng thể chế tại địa bàn triển khai phái bộ. Bên cạnh đó, cơ chế xử lý vi phạm cũng cần bổ sung yếu tố điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm bảo đảm sự tương thích với thông lệ quốc tế và tăng tính pháp lý trong xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. Ảnh: CTV
Cùng với đó, đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với việc mở rộng đối tượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ giới hạn ở lực lượng vũ trang mà còn mở rộng ra cán bộ, công chức, viên chức – đặc biệt là đội ngũ y tế, kỹ thuật và chuyên gia dân sự. Đây được coi là bước đi đúng đắn nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ và chuyên môn của Việt Nam, đồng thời góp phần lan tỏa hình ảnh tích cực, nhân văn của đất nước trên trường quốc tế.
Cũng góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị làm rõ nguyên tắc và chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia phái bộ, cũng như quy định rõ ràng về xử lý vi phạm, cơ chế giải quyết tranh chấp và các hành vi bị nghiêm cấm. Đặc biệt, đại biểu đề xuất hoàn thiện quy định về trang bị, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho lực lượng dân sự tại các khu vực xung đột.
Về tổ chức lực lượng, đại biểu đề nghị quy định rõ thẩm quyền bổ nhiệm Chỉ huy trưởng lực lượng tại các phái bộ thuộc Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, cần mở rộng chính sách, chế độ cho thân nhân, hỗ trợ y tế, bảo hiểm và phúc lợi đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và Liên hợp quốc trong bảo đảm quyền lợi cho lực lượng tham gia, đặc biệt là phụ nữ.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về cơ chế giám sát, đánh giá việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng nhằm tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động.