Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách phù hợp với thực tế xây dựng pháp luật
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật sáng 16/5, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; khẳng định, các cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, việc đề ra chính sách ưu đãi, bồi dưỡng thích đáng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng và cán bộ tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách, pháp luật là cần thiết, góp phần tăng cường trách nhiệm, tinh thần làm việc của đội ngũ này; tránh nguy cơ đưa "lợi ích nhóm" vào hoạt động xây dựng và thi hành chính sách pháp luật.
Góp ý về nội dung về cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ tán thành cao với quy định của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Về khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu đề nghị nên giao Chính phủ quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Nhấn mạnh cần xác định bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách theo dự thảo Nghị quyết phù hợp với thực tế công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, khoản 6, Phụ lục 1 dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng được hưởng hỗ trợ hàng tháng là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của Ban Pháp chế thuộc HĐND cấp tỉnh là chưa phù hợp với thực tiễn công tác.
Theo đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách có công việc như nhau, đều là những người thực hiện công tác thẩm tra xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, giám sát văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của các Ban HĐND tỉnh.
Trên cơ sở phân công, điều hành của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu hoạt động chuyên trách của các Ban HĐND tỉnh đều có sự phối hợp trong công tác thẩm tra, giám sát xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, không phải hoàn toàn chỉ có đại biểu hoạt động chuyên trách của Ban Pháp chế thực hiện việc này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần bổ sung đối tượng là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của các Ban thuộc HĐND cấp tỉnh được hưởng chính sách này để bảo đảm công bằng trong đối tượng được hưởng chính sách. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung đối tượng là công chức trực tiếp tham mưu, giúp việc cho các Ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh vì đối tượng này thường xuyên trực tiếp tham mưu công tác thẩm tra, xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, tham mưu công tác giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương.

Đại biểu Quốc hội TP. Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nhằm bảo đảm thực thi các mục tiêu cải cách thể chế, hài hòa với các quy định mới của Quốc hội, Chính phủ về chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (thành phố Huế) đề nghị bổ sung vào điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: "Việc sử dụng ngân sách kèm theo Nghị quyết này phải được kiểm toán độc lập; công khai quyết toán hàng năm; bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và toàn xã hội".
Về nội dung phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị, ngoài các hoạt động ứng dụng công nghệ số đã nêu tại dự thảo Nghị quyết, cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung như vai trò của công nghệ số trong đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức; theo dõi kiểm tra, đánh giá hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Cùng với đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định số hóa ở một số khâu như tham vấn, lấy ý kiến tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giám sát, phản biện xã hội…