Bắc Giang lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
Tại Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát thực, thể hiện sự đồng thuận cao đối với nội dung dự thảo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Minh Đức
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan đến toàn xã hội và từng người dân. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia tích cực, trí tuệ tập thể từ các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là những người làm công tác thực tiễn trong hệ thống chính trị. Việc sửa đổi là bước đi cần thiết nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tạo nền tảng hiến định cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy và hoàn thiện hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Minh Đức
Dự thảo nghị quyết lần này đề xuất sửa đổi 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung vào hai nhóm nội dung chính: Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp nhằm bảo đảm quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền hai cấp diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nội dung trọng tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu sâu sắc và tham gia góp ý cụ thể, thực chất để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp; đồng thời, bày tỏ sự đồng thuận cao đối với phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung đã được trình bày. 10 lượt ý kiến phát biểu tập trung vào các điều khoản cụ thể như: Điều 9, Điều 10, Điều 110, khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 và khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề xuất thay thế cụm từ “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” bằng cụm từ “đơn vị hành chính cấp cơ sở”, để bao quát các loại hình đơn vị hành chính có thể hình thành trong tương lai như xã, phường, đặc khu hay đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị tiếp tục quy định rõ ràng quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh.
Liên quan đến điều khoản chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo nghị quyết, nhiều đại biểu đề xuất thay cụm từ “thông báo của cấp ủy có thẩm quyền” bằng “nghị quyết, kết luận của cấp có thẩm quyền” nhằm bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ và phù hợp hơn với thực tế triển khai.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cũng như các ý kiến sâu sắc, chất lượng của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân tích cực tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lấy ý kiến.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo theo quy định.