Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, khóa XV, ngày 13-2, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang, làm Tổ trưởng Tổ 17 điều hành phiên họp gồm các tỉnh Tiền Giang, Gia Lai và Cao Bằng.
![Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu điều hành thảo luận tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_454_51475905/d641d88deac3039d5ad2.jpg)
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu điều hành thảo luận tổ.
Điều hành thảo luận tại tổ, đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi các luật lần này, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.
Trên cơ sở các nội dung được gợi ý xem xét, đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến đóng góp một số nội dung liên quan đến các vấn đề như: Các vấn đề về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; mối quan hệ của việc phân cấp, phân quyền, cần xem xét lại về cơ sở pháp lý với cơ sở thực tiễn ở địa phương còn có vấn đề gì mà giữa Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật còn có vấn đề gì cần quy định cụ thể hơn thì góp ý làm rõ thêm…
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi luật, ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống bộ máy chính trị, tăng cường phân cấp, phân quyền và phân định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương.
Nhiều đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định hoàn thiện hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của các cấp chính quyền, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
![Quang cảnh thảo luận tại tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_454_51475905/7c6e73a241eca8b2f1fd.jpg)
Quang cảnh thảo luận tại tổ.
Các đại biểu cho rằng, điểm mới nổi bật của dự thảo luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dù công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã được quan tâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra một số ý kiến, băn khoăn cần được nghiên cứu, cân nhắc thêm, như vấn đề ủy quyền: Có sự khác biệt giữa quy định về ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ, cần phải xem xét lại để đảm bảo tính thống nhất...
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nhất trí cao với các dự thảo luật được trình tại phiên thảo luận tổ. Đại biểu cho rằng, qua nghiên cứu tài liệu báo cáo cho thấy, Ban soạn thảo cũng như Ủy ban chủ trì thẩm tra, tiếp thu, bổ sung nhiều ý kiến đóng góp của các Ủy ban của Quốc hội.
![Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_454_51475905/69c0650c5742be1ce753.jpg)
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.
Liên quan đến Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại Điều 5 về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần làm rõ hơn về phạm vi, giới hạn quyền hạn được phân cấp, phân quyền cho địa phương, tránh trường hợp địa phương được quyền nhưng vẫn phải xin ý kiến Trung ương, gây chậm trễ. Đồng thời, cần xem xét thêm vấn đề trách nhiệm của địa phương khi được phân cấp, phân quyền.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm nội dung về việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, mục tiêu bình đẳng giới đã được Chính phủ xây dựng và thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua và đây cũng là một tiêu chí của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế và nó cũng góp phần quan trọng và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung nội hàm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Về vấn đề phục vụ nhân dân của Chính phủ, đại biểu đề nghị phải được đặc biệt coi trọng trong việc thể hiện khi mà sửa đổi luật không chỉ tập trung vào tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp…
Ngoài ra, các ý kiến của nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Chính phủ trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo chủ trương từ Nghị quyết 57 của Trung ương.