Sự kiện 300 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc là bài học vô giá về 'ý Đảng, lòng dân'
Theo Bí Thư tỉnh ủy Bình Định, sự kiện 300 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc là bài học vô giá về 'ý Đảng, lòng dân', biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết vì mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước.
Tối 16/5, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc (16/5/1955 - 16/5/2025).
Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc không chỉ đối với Bình Định mà còn với các tỉnh, thành Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả miền Nam ruột thịt.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Cảng Quy Nhơn được chọn là một trong những điểm trọng yếu, thực hiện nhiệm vụ tập kết trong 300 ngày.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hà Nam
Bình Định đã triển khai toàn diện công tác hậu cần, thông tin, y tế, tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào tập kết ra Bắc. Dù thời gian ngắn nhưng đây là giai đoạn then chốt để chuẩn bị lực lượng, củng cố niềm tin cho một chặng đường đấu tranh mới.
Chuyến tàu cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn vào ngày 16/5/1955, khép lại hành trình 300 ngày tập kết. Những hình ảnh chia ly tại bến cảng - mẹ già tiễn con, vợ tiễn chồng, những cái ôm nghẹn ngào, lời hẹn thề trong nước mắt - mãi mãi là biểu tượng bất tử của lòng trung thành, khát vọng hòa bình và tinh thần yêu nước.
Sau khi ra Bắc, cán bộ và học sinh miền Nam được nhân dân miền Bắc đùm bọc. Nhiều người sau đó trở thành lực lượng nòng cốt trên các chiến trường và trong công cuộc xây dựng đất nước.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước tặng quà cho đại diện gia đình các nhân chứng thời kỳ chuyển quân ra Bắc. Ảnh: Hà Nam
“Sự kiện 300 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc tại Quy Nhơn nói riêng và của miền Nam nói chung không chỉ là cuộc chuyển quân để bảo đảm tuân thủ Hiệp định Giơnevơ mà còn là tầm nhìn, kế hoạch dài hạn của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Việc này vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đây còn là bài học vô giá về 'ý Đảng, lòng dân', là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết..." - Bí thư Bình Định bày tỏ.
Nhằm tri ân thế hệ đi trước, năm 2004, Bình Định đã xây dựng biểu tượng di tích địa điểm chuyển quân tập kết tại Quy Nhơn, xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2007.
Tại buổi lễ tối nay, di tích “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc” chính thức được xếp hạng di tích quốc gia.

Trao bằng xếp hạng di tích quốc gia cho di tích “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc”. Ảnh: Hà Nam
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - chia sẻ, Bình Định là nơi hội tụ các giá trị văn hóa đa dạng, phong phú, với truyền thống thượng võ, yêu nước và cách mạng. Đây cũng là chiến trường ác liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
"Đã 70 năm trôi qua kể từ sự kiện cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn. Cũng là ngần ấy năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định ra sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Bình Định đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả sắp xếp bộ máy chính quyền hai cấp, nâng cao đời sống người dân" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hà Nam
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị Bình Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa sâu sắc của cuộc tập kết ra Bắc gắn với công tác tri ân, tôn vinh thân nhân các cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã tham gia sự kiện. Đồng thời, tỉnh cần phát huy giá trị di tích lịch sử “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc” như một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm đến văn hóa - du lịch có giá trị quốc gia.