Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nam tham gia thảo luận ở tổ 16, gồm các tỉnh: Hà Nam, An Giang, Lai Châu, Kon Tum.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Phạm Hùng Thắng, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam tham gia một số ý kiến đối với Dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đối với dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị tại điểm a khoản 1 Điều 28 dự thảo luật quy định về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước quy định: “Thưởng cho tác giả kết quả nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo tối thiểu 30% lợi nhuận thu được từ việc cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng kết quả (trừ trường hợp để góp vốn, hợp tác, liên kết kinh doanh), tối thiểu 30% giá trị của kết quả KHCN, đổi mới sáng tạo được xác định khi góp vốn, hợp tác, liên kết kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp”.

Đề nghị xem xét nội dung quy định này theo hướng nên để các bên tự thỏa thuận trên cơ sở bảo đảm quyền lợi tác giả. Trong trường hợp cần thiết quy định khung tối thiểu thì cần quy định cụ thể các trường hợp xác định lợi nhuận từ thương mại hàng hóa.

Đồng chí Phạm Hùng Thắng, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam phát biểu thảo luận.

Đồng chí Phạm Hùng Thắng, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam phát biểu thảo luận.

Tại Điều 52 của dự thảo luật quy định về ưu đãi đối với cá nhân hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo: Đề nghị bổ sung các nội dung về chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ công nghệ và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thành lập. Cụ thể, cần có hỗ trợ tài chính, thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính; có cơ chế thu hút, giữ chân nhân tài trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về lương, thưởng, BHXH và môi trường làm việc; quy định bảo đảm các quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN đối với các nhà khoa học, các chuyên gia làm việc trong các dự án KHCN và đổi mới sáng tạo; có chính sách hỗ trợ đầy đủ chế độ BHXH cho các chuyên gia, nhà khoa học ngắn hạn, hợp đồng theo dự án; ưu đãi thuế và cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Về quy định phát triển nhân lực, nhân tài KHCN và đổi mới sáng tạo, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn Big data...

Đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi của dự án luật. Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ của các dự án luật này trong hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt là tương thích với các quy ước, thông lệ quốc tế về năng lượng nguyên tử…

Đồng chí Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Đồng chí Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Thảo luận về dự thảo Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn các nội dung mới của Luật KHCN và đổi mới sáng tạo để luật đi vào cuộc sống từ ngày đầu có hiệu lực.Trọng tâm là hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài chính KHCN, cơ chế cho đổi mới sáng tạo, chính sách ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trong thủ tục hành chính về KHCN.

Đối với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải cho rằng Chính phủ cần khẩn trương ban hành nghị định thay thế Nghị định 132/2008/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) cùng các văn bản liên quan. Trong đó, quy định chi tiết về tiêu chí phân loại nhóm sản phẩm rủi ro, quy trình thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nước ngoài, cơ chế phối hợp giữa các bộ trong hậu kiểm chất lượng và đề án phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI)…

Về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đại biểu đề nghị cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia (trực thuộc Bộ hoặc độc lập theo mô hình quốc tế) như luật quy định mới, để kịp thời tiếp nhận và thực thi các thẩm quyền quan trọng (cấp phép, thanh tra an toàn hạt nhân…).

Đồng thời, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết về quy trình cấp phép dự án điện hạt nhân, quy chuẩn kỹ thuật an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu; quy định về quản lý chất thải phóng xạ cấp quốc gia… Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương để tham gia quản lý, vận hành an toàn các cơ sở bức xạ (như xưởng chiếu xạ, kho lưu trữ nguồn phóng xạ) cũng cần được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai ngay khi luật có hiệu lực…

Mai Hương (Tổng hợp)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dai-bieu-quoc-hoi-ha-nam-thao-luan-o-to-ve-cac-du-an-luat-160575.html
Zalo