Đề xuất giảm thủ tục trong triển khai điện hạt nhân

Tại phiên thảo luận tổ, Đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật trong triển khai điện hạt nhân và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chiều 6/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đề xuất giảm thủ tục hành chính trong triển khai điện hạt nhân

Tại Tổ 13, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đã có góp ý về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện chính sách phù hợp thực tiễn triển khai điện hạt nhân trong bối cảnh mới, bảo đảm an toàn, đồng bộ pháp lý và nâng cao tính khả thi.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang)

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang)

Góp ý về Điều 4 Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, đại biểu đề nghị bổ sung quy định mang tính định hướng lâu dài. Theo đó, Luật cần ghi nhận nguyên tắc: Tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển kinh tế, xã hội, Quốc hội có thể ban hành các cơ chế đặc thù về lựa chọn đối tác, thủ tục đầu tư, huy động vốn cho các dự án điện hạt nhân.

Về Điều 32 liên quan đến chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị rà soát kỹ thẩm quyền quyết định. Hiện dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, thẩm quyền này thuộc về Quốc hội. Nếu vẫn giữ nội dung như dự thảo, cần sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất. Trong trường hợp giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, cần có quy định rõ trong Luật Đầu tư công để việc triển khai không gặp vướng mắc pháp lý.

Góp ý về Điều 35 liên quan thủ tục thẩm định xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đại biểu Lê Thị Thanh Lam kiến nghị tinh giản quy trình, phân định rõ ranh giới thẩm quyền giữa các cơ quan. Bà đề xuất, không cần phê duyệt riêng báo cáo phân tích an toàn giai đoạn xây dựng, mà chỉ cần thẩm định của cơ quan chuyên môn về an toàn bức xạ hạt nhân, thực hiện đồng thời với thẩm định xây dựng kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian.

Đặc biệt, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề xuất sửa quy định về thủ tục vận hành thử nhà máy điện hạt nhân. Theo dự thảo hiện hành, tổ chức vận hành phải lập báo cáo phân tích an toàn, trình thẩm định và xin cấp giấy phép riêng trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng. Đại biểu cho rằng, đây là thủ tục chồng lấn, không cần thiết. Thay vào đó, chỉ nên yêu cầu thẩm định và phê duyệt, không cần cấp phép riêng. Việc này giúp giảm gánh nặng hành chính nhưng vẫn bảo đảm an toàn vận hành.

Bên cạnh đó, bà cũng kiến nghị bổ sung quy định về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân trong Luật, nhằm bảo đảm nguồn lực lâu dài, chủ động chiến lược khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa

Góp ý về dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau hơn 17 năm thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh)

Theo đại biểu, Luật hiện hành đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình nâng cao chất lượng, giảm chi phí tuân thủ và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Như So đề xuất bổ sung quy định hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp. Bên cạnh các chính sách tín dụng, tài chính, thuế..., cần có cơ chế cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về nội dung công bố hợp chuẩn, hợp quy tại khoản 4, Điều 23 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị chuyển đổi mô hình quản lý. Cụ thể, thay vì “công bố hợp quy bắt buộc 100%”, nên áp dụng mô hình “theo mức độ rủi ro”, nghĩa là doanh nghiệp công bố quy chuẩn, còn cơ quan quản lý giám sát theo mức độ rủi ro và phân loại sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, việc bắt buộc công bố hợp quy với mọi lô hàng đang gây tốn kém chi phí, kéo dài thời gian thông quan, tăng chi phí logistics và làm giảm năng lực cạnh tranh. Việc này còn đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Do đó, cần rà soát lại quy định tại Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi, thuận lợi cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.

Xác định rõ trách nhiệm quản lý về chất lượng sản phẩm

Một trong những nội dung trọng tâm được đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh là việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa như quy định tại khoản 30, 31, 32 Điều 1 dự thảo Luật. Theo ông, cần xác định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để tránh chồng chéo, bỏ trống vai trò giám sát.

Hiện nay, có tình trạng nhiều sản phẩm lưu hành nhưng không có cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện về hậu kiểm. Việc xử lý các vụ việc chất lượng sản phẩm cũng mang tính bị động, thiếu phối hợp, gây tổn thất cho người tiêu dùng và giảm hiệu quả quản lý Nhà nước. Do đó, cần thiết lập cơ chế quản lý thống nhất, quy định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đồng thời gắn trách nhiệm pháp lý với từng khâu quản lý chất lượng.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện chính sách phù hợp thực tiễn triển khai điện hạt nhân trong bối cảnh mới, bảo đảm an toàn, đồng bộ pháp lý và nâng cao tính khả thi.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-giam-thu-tuc-trong-trien-khai-dien-hat-nhan-386306.html
Zalo