'Đô thị sân bay Long Thành có thể đóng góp 5-6% GDP'
Để phát triển đô thị sân bay thành công, Long Thành cần có quy hoạch đồng bộ, tập trung nâng cấp hệ thống giao thông, phát triển các dịch vụ hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp quốc tế.

Những tháng cuối năm ngoái, Thủ tướng đã trực tiếp thị sát và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai triển khai quy hoạch phát triển Long Thành thành một đô thị sân bay hiện đại, tận dụng lợi thế hệ sinh thái xung quanh để tạo động lực phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch, đô thị sân bay Long Thành sẽ được phát triển theo mô hình tích hợp nhiều chức năng, bao gồm thương mại, giải trí và công nghiệp. Nơi đây được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế năng động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu hút nguồn vốn đầu tư từ trong nước lẫn quốc tế.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, nhiều chuyên gia nhận định huyện Long Thành có tiềm năng lớn để phát triển theo mô hình đô thị sân bay kiểu mẫu, nhờ vị trí chiến lược khi sở hữu sân bay quốc tế Long Thành và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phải có quy hoạch tổng thể, đồng bộ
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn này, theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, Đồng Nai cần áp dụng các giải pháp phát triển bền vững, học hỏi từ những mô hình đô thị sân bay thành công trên thế giới.
Một trong những ví dụ điển hình là sân bay quốc tế Changi (Singapore), nơi nổi tiếng với hệ thống hạ tầng hiện đại, dịch vụ chất lượng cao và khả năng kết nối toàn cầu. Changi không chỉ đầu tư mạnh vào công nghệ mà còn phát triển đồng bộ các khu thương mại, khách sạn, bán lẻ, giúp nâng cao trải nghiệm cho hành khách và doanh nghiệp.
Tại Đức, sân bay quốc tế Frankfurt tạo lợi thế cạnh tranh nhờ hệ thống giao thông đa dạng. Ga tàu cao tốc ICE kết nối trực tiếp với các thành phố lớn trong vòng 2 giờ, trong khi khu vực thương mại xung quanh sân bay phát triển mạnh với văn phòng, khách sạn và trung tâm mua sắm. Đồng thời, Frankfurt cũng tiên phong trong các dự án giảm khí thải CO2, thể hiện cam kết phát triển bền vững.
Trong khi đó, sân bay quốc tế Dubai (UAE) - một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới - không chỉ có hạ tầng hiện đại mà còn sở hữu hệ thống mua sắm miễn thuế quy mô lớn, cùng các trung tâm thương mại, hội nghị và logistics phát triển xung quanh.
Theo bà Trang, mô hình Dubai Airport Freezone (DAFZA) là minh chứng rõ nét cho việc tận dụng sân bay làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Ngoài ra, Dubai còn chú trọng phát triển xanh, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả và các biện pháp giảm khí thải carbon.
Nhìn về Việt Nam, bà Trang Bùi cho biết để xây dựng thành công mô hình đô thị sân bay tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai trước hết cần một quy hoạch tổng thể, chi tiết và đồng bộ.
"Việc phân chia rõ ràng các khu vực thương mại, công nghiệp, dịch vụ và dân cư sẽ giúp đô thị phát triển hài hòa, đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các khu chức năng", bà Trang nói.
Tương tự, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn - cũng nhấn mạnh Đồng Nai cần xây dựng một quy hoạch tổng thể chiến lược.
Trong đó, sân bay Long Thành phải là trung tâm của sự phát triển, từ đó mở rộng sang các khu vực xung quanh như logistics, thương mại và đô thị, nhằm tạo ra một hệ sinh thái kinh tế hoàn chỉnh.

Đồng Nai cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết và đồng bộ để phát triển thành công đô thị sân bay Long Thành. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sau khi có quy hoạch rõ ràng, tỉnh cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kết nối.
"Giả sử Long Thành phát triển nhanh hơn, nhưng đường từ TP.HCM về Long Thành còn hạn chế, điều này có thể trở thành rào cản lớn cho sự phát triển. Vì vậy, việc hoàn thiện các tuyến cao tốc, vành đai và hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt liên vùng sẽ giúp cải thiện khả năng kết nối, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị sân bay", ông Tuấn nêu.
Ngoài ra, theo bà Trang Bùi, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành đô thị sân bay sẽ mang lại nhiều lợi ích, từ kinh nghiệm quản lý đến công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống tiết kiệm năng lượng và chính sách giảm khí thải sẽ giúp Long Thành phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn thân thiện với môi trường.
Để đô thị sân bay thực sự trở thành một động lực kinh tế, địa phương cũng nên tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dĩ nhiên, Long Thành cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi, quản lý và vận hành hiệu quả, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp.
Ông Đinh Minh Tuấn cho biết thêm Long Thành cũng phải xây dựng được thương hiệu sân bay. Một số sân bay lớn trên thế giới như Changi, Hong Kong hay Dubai đã trở thành biểu tượng trong khu vực nhờ chiến lược phát triển bài bản và sự khác biệt trong dịch vụ. Do đó, để Long Thành vươn tầm khu vực, việc định vị thương hiệu, tạo điểm nhấn riêng rất quan trọng.
Nhìn chung, ông Tuấn nhấn mạnh việc phân vùng hợp lý, tận dụng lợi thế của các địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương trong phát triển khu công nghiệp và logistics, đồng thời kết nối chặt chẽ với TP.HCM sẽ giúp Long Thành trở thành một trung tâm kinh tế mới, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Có thể đóng góp 5-6% GDP cả nước
Đại diện Cushman & Wakefield cho rằng việc phát triển mô hình đô thị sân bay không chỉ mang lại lợi ích về mặt hạ tầng mà còn tạo ra những động lực kinh tế quan trọng.
Trước hết, đây là một cú hích lớn trong việc thu hút đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, mô hình này còn giúp tăng cường kết nối giao thông, tối ưu hóa thời gian di chuyển và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Một đô thị sân bay hiện đại còn góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân trong khu vực. Với hệ thống dịch vụ tiện ích đa dạng, cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường sống xanh, bền vững, mô hình này tạo điều kiện lý tưởng để phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, thương mại và du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để đô thị sân bay thực sự hoạt động hiệu quả, việc phát triển không nên chỉ giới hạn ở xây dựng hạ tầng hàng không.

Phát triển đô thị sân bay Long Thành thành công có thể đóng góp 5-6% GDP cả nước. Ảnh: Quỳnh Danh.
"Nếu các dịch vụ hỗ trợ xung quanh không được đầu tư bài bản, chẳng hạn như thiếu kho bãi (warehouse), thiếu trung tâm trung chuyển hàng hóa, hệ thống logistic chuyên nghiệp... sân bay khó có thể hoạt động hiệu quả.
Khi đó, thay vì chọn Long Thành làm điểm trung chuyển, các doanh nghiệp sẽ tìm đến những quốc gia khác có hệ sinh thái vận tải và logistics hoàn thiện hơn, khiến sân bay không thể phát huy hết tiềm năng và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế", ông Tuấn phân tích.
Ngược lại, nếu Long Thành phát triển thành công theo mô hình đô thị sân bay, lợi ích đầu tiên và rõ ràng nhất sẽ đến từ ngành hàng không và logistics.
Một sân bay phát triển đúng hướng có thể đóng góp 5-6% GDP quốc gia
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn
"Khi khu vực này được trang bị đầy đủ dịch vụ hỗ trợ, từ trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi đến các giải pháp logistic hiện đại, sân bay không chỉ là điểm đến cho hành khách mà còn trở thành trung tâm thương mại và công nghiệp quy mô lớn. Những mô hình tương tự trên thế giới cho thấy một sân bay phát triển đúng hướng có thể đóng góp 5-6% GDP quốc gia", ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, hệ thống logistics sẽ có bước phát triển vượt bậc, thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Thay vì đặt nhà máy và kho bãi ở các nước khác, các doanh nghiệp có thể lựa chọn Long Thành để thiết lập cơ sở sản xuất và trung tâm trung chuyển, tận dụng lợi thế của một sân bay quốc tế với khả năng vận chuyển hàng hóa hạng nặng lẫn hạng nhẹ đến nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI mà còn củng cố vị thế của đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài yếu tố thương mại và logistics, đại diện Batdongsan.com.vn nhìn nhận sự phát triển của Long Thành cũng mang lại lợi ích lớn cho ngành du lịch.
Một sân bay quốc tế hiện đại có thể trở thành cửa ngõ kết nối thuận tiện đến các điểm du lịch nổi tiếng như Hồ Tràm, Phan Thiết hay Nha Trang. Thay vì phải bay vào TP.HCM và mất thêm thời gian di chuyển, du khách quốc tế có thể tiếp cận các điểm du lịch này nhanh chóng hơn, giúp Việt Nam gia tăng sức hút trên bản đồ du lịch khu vực.