'Đỏ mắt' tìm nhà ở xã hội dưới 50 triệu đồng/m2 ở Hà Nội
Sau khi đủ điều kiện chuyển nhượng, nhiều căn nhà ở xã hội tại Hà Nội liên tục tăng giá, lên tới 50 triệu đồng/m2, gấp 3 lần so với giá mở bán.
Căn hộ dưới 4 tỉ đồng "bay" nhanh sau vài ngày rao bán
Năm 2015, vợ chồng chị Lưu Kiều Oanh (40 tuổi) vay vốn từ gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng của Chính phủ để mua căn hộ rộng khoảng 50 m2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách tại Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Căn hộ có giá khoảng 800 triệu đồng, tương đương khoảng 15 triệu đồng/m2.
"Gần đây, tôi nhận được khá nhiều cuộc điện thoại của môi giới hỏi xem tôi có nhu cầu bán nhà không, với giá khoảng 55 triệu đồng/m2. Tôi quá bất ngờ vì giá căn hộ của mình đã tăng 3,5 lần so với giá gốc", chị Oanh cho biết.
Khảo sát nhanh cho thấy, Dự án nhà ở xã hộ Rice City - Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) thời điểm mở bán năm 2015 có giá gần 15 triệu đồng/m2 nhưng đến hiện tại, sau 9 năm, các căn hộ nhà ở xã hộ tại đây đang được rao bán với giá 54 - 59 triệu đồng/m2.
Năm 2015, một căn hộ nhà ở xã hội diện tích 67m2 tại dự án Rice City Linh Đàm có giá khoảng 1 tỷ đồng, thì hiện tại căn hộ này đang được rao bán với giá 4 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, các căn hộ tại Dự án nhà ở xã hội 987 Tam Trinh (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) có giá bán khoảng 14,2 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT). Trong khi đó, căn hộ thương mại tại cùng dự án có giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Hiện tại, sau 7 năm, các căn nhà ở xã hội và căn hộ thương mại tại dự án này được rao bán với giá 50 - 53 triệu đồng/m2, gấp gần 3 lần giá bán ban đầu.
Tương tự, Dự án nhà ở xã hội Ecohome (tại Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) được bàn giao vào năm 2020 với giá bán của chủ đầu tư khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá căn hộ của dự án đã tăng gấp 3 lần, vào khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2.
Anh Phan Văn Kiền (48 tuổi), một nhân viên môi giới bất động sản tại khu Linh Đàm, cho biết, hiện nay, nhu cầu khách hàng tìm căn hộ ở mức 55-60 triệu đồng/m2 tại khu vực này khá cao nhưng không có nhiều chủ nhà muốn bán. Vì vậy, những căn hộ được rao bán dưới 4 tỉ đồng thời điểm này "bay" rất nhanh, có khi chỉ sau vài ngày đăng tin.
Đã thiếu lại còn khó tiếp cận nhà ở xã hội
Trong báo cáo thị trường mới đây của Savills, Hà Nội không có nguồn cung căn hộ mới giá dưới 45 triệu đồng/m2 vào quý II/2024. Kể từ năm 2020, phân khúc căn hộ bình dân (hạng C) đã giảm 45% mỗi năm.
Trong tương lai, phân khúc này dự kiến chỉ đóng góp 25% nguồn cung mới. Tương tự, báo cáo của Trung tâm nghiên cứu thị trường OneHousing chỉ ra Hà Nội không có căn hộ phân khúc bình dân (dưới 30 triệu đồng/m2) nào được mở bán trong 8 quý liên tiếp.
Có thể thấy, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá nhà ở xã hội thứ cấp đã bị đẩy ngang ngửa so với chung cư thương mại.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, việc chuyển nhượng căn hộ nhà ở xã hội (theo quy định là sau 5 năm) được giá tốt chứng tỏ thị trường đang rất thiếu các dự án tiếp cận được nhu cầu của đối tượng thu nhập trung bình và thấp, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Tuy nhiên, cơ cấu nguồn cung ngày càng nghiêng về các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phục vụ mục đích đầu tư, đầu cơ. Sự lệch pha kéo dài này khiến giá nhà ở liên tục bị đẩy lên cao. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà ở thực luôn dẫn đầu trong cơ cấu nhu cầu nhà ở với tỷ trọng 80%. Còn lại 15% là cầu đầu tư dài hạn và 5% là nhu cầu đầu cơ. Chỉ khoảng 25% nhu cầu mua nhà ở thực có khả năng tài chính để mua nhà.
Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn cung, hiện nay chủ đầu tư và người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói tín dụng nhà ở xã hội.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, đối với gói 120.000 tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư), đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho chủ đầu tư là 1.295 tỷ đồng, cho người mua nhà là 49 tỷ đồng.
Nguyên nhân việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân ít là do nguồn cung nhà ở còn hạn chế, một số địa phương chưa công bố danh mục dự án. Hơn nữa, nhiều dự án còn vướng mắc pháp lý nên chưa đủ điều kiện mở bán…
Theo các chuyên gia, để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đến gần hơn với chủ đầu tư và người mua nhà, cần tăng thời gian hỗ trợ lãi suất với chủ đầu tư và người mua nhà; đồng thời, nên nới lỏng hơn các điều kiện giải ngân và thủ tục vay.