Cơ sở làm mứt gừng truyền thống của gia đình bà Lắm ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) thời điểm này ngày nào cũng luôn đỏ lửa để kịp sản xuất, cung ứng mứt gừng phục vụ thị trường Tết.
Bà Lắm cho biết, làm mứt gừng là nghề truyền thống của gia đình. Mỗi năm, cứ vào dịp cận Tết, gia đình bà lại nổi lửa làm mứt gừng.
Để có những mẻ mứt gừng thơm ngon, vị cay nồng đến độ thì củ gừng được sử dụng chế biến phải là loại không quá xơ già cũng không quá non.
Sau khi được gọt sạch, thái mỏng đều tay, gừng được ngâm với nước chanh và rửa sạch để miếng gừng sạch, vàng đẹp. Sau đó, gừng tiếp tục được luộc vừa chín tới.
Bà Lắm chia sẻ, công đoạn rim gừng được xem công đoạn quan trọng và khó nhất, người được đảm nhận phải có kinh nghiệm, tay nghề nhiều năm.
Gừng sau khi rim sẽ được cho ra nia để nguội, cùng lúc đó mọi người sẽ dùng thanh tre hoặc dùng tay tách để các lát gừng không dính vào nhau.
Công việc làm mứt gừng được bắt đầu từ khoảng tháng 11 âm lịch hằng năm, mứt gừng được chế biến hoàn toàn theo hình thức thủ công truyền thống. Nghề làm mứt gừng ngoài giúp những chủ cơ sở có được thu nhập khá trong dịp cuối năm mà còn tạo một khoản thu nhập đáng kể cho nhiều lao động thời vụ.
Theo bà Lắm, ở thời điểm "vàng son", vào dịp Tết hàng năm, gia đình bà có thể dùng khoảng 15 - 20 tấn gừng để làm mứt. Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều cơ sở sản xuất và nhu cầu trên thị trường ít đi, gia đình bà Lắm cũng thu hẹp sản xuất. "Mấy năm gần đây gia đình chỉ làm vừa phải, khoảng vài tấn gừng đổ lại do nhu cầu khách hàng không còn cao như trước kia”, bà Lắm chia sẻ.
Mứt gừng ráo khô một cách tự nhiên, trở nên giòn rụm và được đóng gói cẩn thận trước khi đưa đi tiêu thụ khắp các vùng miền. Nghề làm mứt gừng không đơn thuần chỉ là tạo thêm nguồn thu nhập, mà còn là việc giữ gìn nghề truyền thống của tổ tiên để lại.
Thực hiện:LINH ĐAN