'Quà tặng của nhân gian': Lan tỏa nét đẹp thủ công truyền thống
Những ngày này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) giới thiệu đến người dân chương trình 'Quà tặng của nhân gian', giới thiệu các sản phẩm thủ công đặc sắc được thực hiện trực tiếp bởi những bàn tay tinh hoa của các nghệ nhân đến từ nhiều địa phương.
Tham gia chương trình, nghệ nhân Hồ Thị Hợp, thị trấn A Lưới, huyện A.Lưới, Thành phố Huế chia sẻ về loại hình thủ công độc đáo “Dệt zèng” của dân tộc mình, qua những chế tác công phu và cầu kỳ, đi kèm với kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi đại diện cho những người dân tộc Tà Ôi, đem lại tay nghề và tiền nói của chị em cùng phối kết hợp với nhà thiết kế và triển lãm, ngồi dệt tại đây để chia sẻ những thao tác dệt để nhiều người biết nghề dệt zeng, đem lại sự phát triển của ngành nghề và bảo tồn được bản sắc văn hóa của người dân tộc Tà Ôi”.
Cùng là nghề dệt nhưng mỗi địa phương lại thể hiện nét đẹp văn hóa và ý nghĩa khác biệt, biểu trưng cho nền văn hóa lâu đời nơi họ sinh sống. Đến từ buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, Đăk Lăk, nghệ nhân dệt thổ cẩm H’sen H’Mốc Du chia sẻ về ý nghĩa màu sắc trên những sản phẩm dệt thổ cẩm ở Đăk Lăk: “Tôi mong muốn rằng các sản phẩm truyền thống được quảng bá cho mọi người biết đến và họ tiêu dùng. Cái nghề dệt truyền thống của mình thì hoa văn của người Mnông chủ yếu là màu xanh của cây cối, biểu trưng cho sự bóng mát che cả các buôn làng của mình. Người Mnong mình chọn màu xanh làm văn hoa văn chính. Hiện tại mình phân phối ra sẽ làm đa dạng nhiều màu. Mong muốn của tôi là truyền lại cho con cháu của mình sau này để giữ lại bản sắc văn hóa của người Mnông”.
Nhằm lan tỏa nét đẹp các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước thông qua những hoạt động trực quan, Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Nhân dịp đầu năm mới 2025, chúng tôi tổ chức sự kiện “Quà tặng của nhân gian”. Sự kiện hội tụ được 12 nghệ nhân tiêu biểu từ 7 làng nghề trong cả nước, từ các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với mục đích giới thiệu những tinh hoa làng nghề Việt Nam, quảng bá giá trị đó cho công chúng, cho khách tham quan, đặc biệt là khách tham quan quốc tế khi đến thăm Hà Nội thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám”.
Cũng tại sự kiện, chương trình lần lượt giới thiệu các nghề: Lụa Bảo Lộc; thổ cẩm Zèng - loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới, thành phố Huế; dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk; dệt thổ cẩm tại Sa Thầy, Kon Tum; đan lát ở làng Kon Chênh, Măng Đen (Kon Tum)…
Ấn tượng trước bàn tay khéo léo đan lát của các nghệ nhân, bà Mireille Gúe, du khách người Pháp cho biết: “Những sản phẩm thủ công ở đây rất đẹp, thể hiện truyền thống của mỗi vùng. Bàn tay các nghệ nhân rất khéo léo, các sản phẩm được làm ra vừa tỉ mỉ vừa sắc nét, màu sắc đa dạng. Tôi thấy rằng việc duy trì những nét văn hóa này cho các thế hệ sau không dễ dàng nhưng các nghệ nhân vẫn đang chăm chỉ và cần mẫn truyền nghề. Thực sự rất thán phục. Tôi rất thích những sản phẩm về lụa tơ tằm, Tôi sẽ mua vài chiếc khăn hoặc nón lá để làm kỷ niệm”.
Đặc biệt tối 4/1, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng các nhà thiết kế sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật biểu diễn bộ sưu tập áo dài và thời trang của nhà thiết kế Minh Hạnh, Silky Vietnam, Viết Bảo, với các sản phẩm tơ lụa truyền thống và thổ cẩm các vùng miền. Chương trình còn có sự tham gia của: NSND Thanh Lam, NSƯT Thùy Anh, ca sĩ Y Nhíp, Khang Ngọc, MC Mạnh Khang... cùng 50 người mẫu.