Định vị sức mạnh Việt Nam
Sức mạnh mềm, khát vọng và thời khắc Việt Nam tỏa sáng… là chủ đề cuộc trò chuyện của Tiền Phong với nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Không bỏ cuộc
Theo bà, đâu là sức mạnh mềm của Việt Nam và sức mạnh đó có phải là sức mạnh vượt trội so với các quốc gia khác hay không?
Trong thế kỷ 20, Việt Nam nổi tiếng thế giới bởi cuộc chiến chống đế quốc Mỹ. Sau khi kết thúc chiến tranh, dân tộc Việt Nam thể hiện khát vọng hòa bình một cách mãnh liệt và nỗ lực vươn lên trong hòa bình, phát triển và hạnh phúc. Cố thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, người tham gia ở hội đàm Paris và ở trại Đa-vít, khi trả lời báo chí sau khi kết thúc chiến tranh bằng một câu rất cô đọng, súc tích và là một thông điệp vô cùng mạnh mẽ: “Việt Nam không chỉ là tên của một cuộc chiến. Việt Nam là một đất nước, một dân tộc”. Thông điệp là, đừng nhìn chúng tôi chỉ bằng lăng kính của chiến tranh, hãy nhớ rằng chúng tôi đấu tranh là để có hòa bình và thống nhất, để có điều kiện phát triển và giành lại hạnh phúc.
Quyết chí, quyết tâm xuyên suốt của dân tộc Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất để cùng nhau vươn lên và phát triển. Cho nên, 20 năm sau chiến tranh, khi vừa bỏ cấm vận, cùng với đổi mới trong nước thì Việt Nam đã vươn lên. Một trong những dấu ấn nổi bật là bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), tham gia các hiệp định thương mại đa phương, trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc, phát huy được tiếng nói của Việt Nam tại diễn đàn toàn cầu này. Và từ đó đến giờ, Việt Nam đã vươn lên một cách ngoạn mục.
Tôi muốn nhấn mạnh về sức sống, nghị lực vươn lên của toàn dân tộc. Khí phách của dân tộc Việt là không bao giờ bỏ cuộc. Một nhà đầu tư người Anh ở Việt Nam 30 năm, khi nói về người Việt Nam, ông đã nhắc đến hai ý, đó là kiên định, kiên cường và khả năng thích nghi. Ông ta nói: “Người Việt không bao giờ bỏ cuộc”. Câu nói đó phần nào lý giải Việt Nam từ bàn tay không trong quá khứ, đến ngày hôm nay chúng ta tiến đến đâu rồi, nhìn thì cũng biết.
Tôi đưa ra dẫn chứng thứ hai, là cuốn sách xuất bản quý 4/2023 mang tên Việt Nam, ngôi sao đang lên của châu Á do hai “ông Tây”, một người New Zealand và một người Mỹ viết. Cả hai đã ở Việt Nam gần 20 năm, tức là họ ở ngay trong lòng Việt Nam từ rất lâu và ghi nhận điều đó chứ không phải vì chúng ta là người Việt nên “mèo khen mèo dài đuôi”. Tất nhiên, vẫn còn những cái lộn xộn, hạn chế và còn tiêu cực, nhưng quan trọng là họ nhìn thấy xu thế đi lên của Việt Nam.
Theo bà, căn tính (của người) Việt là gì, và điều đó có ý nghĩa thế nào đối với sức mạnh Việt Nam?
Tôi chưa dám kết luận ngay, nhưng một số ý kiến cho rằng căn tính Việt là tinh thần, ý thức dân tộc. Có mấy cái “mạch”, phải tiếp tục đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu. Với chính trị thì nói là yêu nước, nhưng nói vậy là hơi khó, vì có những người (Việt) nhưng đã là công dân của nước khác, vì vậy, nếu nói yêu nước thì trước tiên họ phải yêu đất nước nơi mà họ có quốc tịch. Nhưng là người (gốc) Việt, dù có là công dân nước nào thì tâm trí và trái tim của họ vẫn hướng về Việt Nam. Cho nên, ý thức dân tộc là điều mà chúng tôi muốn nói đến để mọi người cùng suy nghĩ.
Tôi sẽ không đồng ý với từ “yêu nước” khi nói về căn tính Việt, vì sẽ đẩy xa mấy triệu người Việt đang định cư ở hải ngoại. Trong số đó có những người đã từng bên kia chiến tuyến và họ cũng yêu nước theo kiểu của họ, mặc dù mình cho là sai trái, cho nên là điều đó sẽ gợi lại vết thương xưa cũ.
Thứ hai là văn hóa truyền thống của dân tộc. Ý thức dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc khó diệt vong lắm. Khi có sự gắn bó về văn hóa của dân tộc thì dù quốc tịch gì cũng là dòng máu Việt và người ta tự hào khi đất nước vươn lên, dân tộc sáng ra, toàn thế giới nhìn vào nể phục và quý mến. Sức mạnh mềm là ở chỗ đó.
Là người sáng kiến, vận hành Diễn đàn Việt Nam:Thời khắc Việt, theo bà, Việt Nam hiện đang ở thời khắc nào, và thời khắc đó quan trọng đến mức nào trong việc xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường?
Đó là thời khắc mà có những nhân tố hội tụ để Việt Nam vươn lên một cách thật rõ nét, mạnh mẽ và tương đối nhanh. Sự hội tụ đó bắt đầu quá trình đổi mới cho đến hội nhập, mà điển hình là gia nhập Liên hiệp Quốc, ASEAN, WTO và đương nhiên có nhiều cái khác nữa như các hiệp định thương mại đa phương. Có được ngày hôm nay là chúng ta có sự chủ động hội nhập.
Trong thời khắc này, sự chủ động vô cùng quan trọng. Thứ hai là đầu óc thực tế, biết cân nhắc, phải nắm bắt bối cảnh, tương quan lực lượng. Thứ ba là sự khéo léo. Sự chủ động của ta thì rất rõ ràng. Nhìn từ câu chuyện Mỹ áp thuế mới đây sẽ thấy, Việt Nam là nước đầu tiên chủ động “a lô” với Mỹ, việc xúc tiến đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại của mình vô cùng chủ động. Nói cách khác, thời điểm này Việt Nam vừa thận trọng cân nhắc nhưng vừa chủ động và quyết liệt, không sợ và không bao giờ bỏ cuộc.

Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới Ảnh: Phạm Nguyễn
Khi xác định bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta có chung một cảm xúc và nhận thức là thời cơ, thời vận đang đến với đất nước và dân tộc, không khẩn trương, không kiên định thì sẽ mất cơ hội, vì cơ hội không thể kéo dài dài được. Và thời khắc Việt là như thế.
Hội tụ để vươn lên mạnh mẽ
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là cụm từ được nhắc nhiều thời gian gần đây, theo bà đây có phải là cơ hội vàng, thậm chí là tốt nhất để Việt Nam đột phá, trỗi dậy mạnh mẽ?
Đúng thế. Thế giới nhìn vào mình thì cũng nghĩ như vậy. Tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới, rồi các nước đều đến Việt Nam. Cái khó trả lời hơn là mình có tranh thủ được cái cái thời cơ vàng này để mà thật sự vươn lên hay không? Tại vì nó đòi hỏi sự đoàn kết, chung lòng của mọi người Việt, kể cả cộng đồng hơn 5 triệu người Việt ở nước ngoài, nhất là những nhân tố ưu tú.
Tôi cũng phải nhắc lại cái điều mà tôi đã phát biểu ở Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt là, nếu ở một số thập niên trước, người Việt, phải là ở nước ngoài mới có thể đạt đến tài năng đỉnh cao, nhưng bây giờ trong nước rất nhiều tài năng sáng ngời. Tôi hay nói đùa là bây giờ đất Việt Nam “trồng” được những tài năng xuất chúng, không thua kém gì ở nước ngoài và không cần phải ra nước ngoài.
Theo bà, làm thế nào để vượt qua những khác biệt của các cộng đồng người Việt bốn phương, kể cả khác biệt về môi trường sống, về điều kiện, hoàn cảnh xã hội lẫn quan điểm chính trị… để mọi người xích lại gần nhau, hợp tác, gắn kết với nhau?
Đã 50 năm chiến tranh kết thúc rồi, những người Việt ở nước ngoài mà có điều kiện để tham gia đóng góp trong nước thì đối với họ chiến tranh là chuyện của quá khứ, nên tôi nghĩ vấn đề này không còn nặng nề. Khi ý thức, bản sắc dân tộc đủ mạnh thì với họ sự khác biệt là chuyện quá khứ, không cản trở họ quay về Việt Nam với những dự án, những cơ hội phát triển.

Tinh thần dân tộc và văn hóa truyền thống là sức mạnh mềm của Việt Nam
Tôi khẳng định rất nhiều Việt kiều có sẵn lòng tự hào dân tộc và bản sắc Việt, chỉ là họ không biết rằng có cơ hội để cống hiến cho Việt Nam hay không. Cho nên, trong câu chuyện này, đất nước phải rộng cửa giới thiệu những cái hay, đang có ở trong nước để bà con hải ngoại thấy được cơ hội và tham gia. Bây giờ, không đòi hỏi người ta phải hy sinh, ngược lại phải cho người ta thấy được cơ hội và họ sẽ tranh thủ cơ hội này. Khi đó họ sẽ tự nhận thấy, thay vì đi giúp thiên hạ ở nước khác thì họ về Việt Nam.
"Ý thức dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc khó diệt vong lắm. Khi có sự gắn bó về văn hóa của dân tộc thì dù quốc tịch gì cũng là dòng máu Việt và người ta tự hào khi đất nước vươn lên, dân tộc sáng ra, toàn thế giới nhìn vào nể phục và quý mến. Sức mạnh mềm là ở chỗ đó”.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Một thời gian dài người Việt có tâm lý hướng ngoại, nhưng đây là lúc chúng ta cần phải nhìn vào bên trong để thấy chính mình rõ hơn và phát huy giá trị nội sinh. Theo bà, giá trị nội sinh của người Việt hiện nay được phát huy thế nào, nhất là trong giới trẻ?
Tiếp xúc với giới trẻ nhiều, tôi nhận thấy người trẻ hôm nay rất nhanh nhạy, nhưng có phần hạn chế về chiều sâu. Tuy nhiên, tôi luôn lạc quan vì nhiều bạn trẻ vẫn muốn tìm đến giao lưu, học hỏi thì có nghĩa là trong giới trẻ vẫn có những người có tư duy chiều dài, chiều sâu. Nhưng mà phải hết sức chủ động đối với giới trẻ. Nếu để người trẻ bị cắt đứt sợi dây liên kết giữa các thế hệ thì sẽ biến thành các ốc đảo: Ốc đảo tuổi trẻ, ốc đảo trung niên, rồi ốc đảo cao niên. Ba cái ốc đảo đó không có giao thoa gì với nhau thì nguy hiểm.
Định vị thương hiệu quốc gia
Để định vị thương hiệu quốc gia, theo bà phải dựa trên những giá trị cốt lõi nào?
Thương hiệu quốc gia phải là sự hội tụ, gặp nhau từ hai phía, một là tự nhận thức, là gắn kết, là cam kết từ trong nước, của dân và các đơn vị trong nước; hai là sự công nhận của bên ngoài.
Vài chục năm về trước, thế giới vẫn nghĩ Việt Nam là đất nước chiến tranh. Giờ mình muốn thoát khỏi cái hình ảnh đó thì đồng ý, nhưng sẽ tự giới thiệu với thế giới như thế nào? Tôi chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng nhận thấy, dù mình chọn cái gì làm thương hiệu, hình ảnh quốc gia, thì trong đó cũng phải phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Điều quý giá là tuổi trẻ Việt Nam không phủ định giá trị văn hóa truyền thống.
Để kể với thế giới một “Câu chuyện Việt Nam” trong 50 năm qua, bà sẽ kể gì?
Sự trỗi dậy. Cái mà chúng ta có thể khoe, giới thiệu với thế giới, phân tích cho thế giới biết và hiểu thì đó là sự trỗi dậy của Việt Nam từ tro tàn của chiến tranh, từ sự chia rẽ của chiến tranh. Sự trỗi dậy để mang lại phồn vinh và hạnh phúc cho dân và để xác lập một cái chỗ đứng là xứng đáng cho đất nước này. Câu chuyện của Việt Nam thật sự đáng để kể.
Mọi người cùng xác định thương hiệu cho Việt Nam, riêng tôi nghĩ xác định thương hiệu quốc gia không phải bằng sản phẩm mà bằng cái tố chất của người Việt. Người Pháp xác định thương hiệu quốc gia là nghệ thuật sống, vậy thì sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của người Việt cũng rất đáng để tính đến trong việc xác định, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đất nước đã thống nhất nhưng bây giờ mới đặt ra câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia. Như vậy có quá muộn không, thưa bà?
Muộn, nhưng không phải muộn quá. Quan trọng nhất là mọi người phải thấy được sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu quốc gia. Nhiều người thắc mắc, làm điều đó để làm gì? Tôi nói, không muốn biết mình là ai sao? Không muốn người ta nhìn vào Việt Nam với những giá trị này, giá trị kia mà toàn thấy những cái xấu, tiêu cực sao?
Điều gì là trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam và và mình phải làm như thế nào để vượt qua những cái trở ngại, khó khăn đó?
Việc đầu tiên là phải vượt qua sự ngộ nhận. Vì người ta cứ nghĩ thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu của các tập đoàn hoặc công ty, thậm chí là sản phẩm cụ thể. Hàng năm doanh nghiệp nộp hồ sơ và được cơ quan chuyên trách của Chính phủ xem xét, công nhận “thương hiệu quốc gia”, điều đó làm cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam đi không đúng hướng. Cái đó là thương hiệu doanh nghiệp. Còn đây là chuyện khác, là nhân dân, dân tộc Việt Nam tự định vị bản thân, tự xác định cái mạnh, cái hay của mình trong suốt chiều dài lịch sử đến tận hôm nay và cả tương lai như thế nào.
Việc tự khẳng định đó phải được thế giới thừa nhận. Để bên ngoài thừa nhận mình thì việc cần làm là phải hội nhập, giao lưu, trao đổi với bên ngoài.