Định hướng học sinh lớp 9 không thi THPT: Trò muốn hay thầy muốn?
Kỳ thi vào lớp 10 THPT đang tới gần. Đây có thể coi là giai đoạn mang tính bản lề với hành trình trưởng thành của học sinh cuối cấp THCS. Đối thoại hôm nay sẽ tập trung bàn luận về câu chuyện: đâu đó có những học sinh được gợi ý không thi vào THPT, thay bằng những lựa chọn khác.
Vấn đề này cũng được ngành giáo dục quan tâm, yêu cầu rà soát, xử lý nghiêm nếu có hiện tượng giáo viên định hướng cho học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký thi vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Chuyên gia giáo dục, TS.Vũ Thu Hương chia sẻ rất thẳng thắn về nội dung này.
PV: Nhìn nhận một cách khách quan, theo bà phải chăng việc đâu đó có tình trạng thầy cô định hướng cho học sinh lớp 9 học nghề thay vì thi vào THPT là chuyện không thể tránh khỏi, hay vẫn còn có thể có những lựa chọn khác tốt hơn cho học dinh nhưng lại khó cho thầy cô?
TS Vũ Thu Hương: Chính những tư vấn này đã khiến cho học sinh thiếu tự tin. Các em cảm thấy mình không còn con đường nào khác, bắt buộc phải từ chối không thi THPT để lựa chọn phương án khác.
Như vậy không phải chúng ta định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai cho các em mà dường như chúng ta đang định hướng để chính các giáo viên không gặp tình trạng học sinh không đỗ, ảnh hưởng đến thành tích.
Từ phía học sinh. khi nghe những định hướng như thế cảm thấy mất mát rất nhiều, các em cảm giác như tương lai bị đóng cửa, các bạn khác giỏi hơn được đưa lên, các em kém hơn phải lựa chọn những phương án khác và tôi nghĩ rằng ở đây là họ chỉ tư vấn các con đừng tiếp tục tham gia kỳ THPT.
Bởi vì khi được hỏi đến những phương án khác thì rất nhiều giáo viên không nói đến lựa chọn nghề mà họ đã nói đến những lựa chọn như là học dân lập, đặc biệt là những thầy cô đó đôi khi cũng không hiểu rõ giáo dục dân lập như thế nào, mà chỉ nói là tốt nhất các con không nên thi THPT.
Cái được ở trong những câu chuyện này thường sẽ là các con sẽ nhận được bài học khi các con không thực sự nỗ lực học. Dĩ nhiên đây cũng là một bài học rất lớn. Chúng tôi có cảm giác là các con không được quyền trượt, các con chỉ có lựa chọn đỗ, hoặc không thi. Có nghĩa chúng ta đã chặn mất quyền sai và sửa sai của học sinh. Những kỳ thi đỗ chưa chắc đã đem lại nhiều bài học bằng một kỳ thi trượt.
Liệu rằng hệ thống giáo dục đã có điều gì sai lầm dẫn đến các giáo viên có những tư vấn như vậy.
PV: Có phải mọi học sinh lớp 9 đều phù hợp với việc học nghề? Và làm thế nào để xác định đâu là lựa chọn phù hợp nhất với năng lực của các em ở độ tuổi đó, thưa bà?
TS.Vũ Thu Hương: Mỗi học sinh đều có nhiều con đường tương lai. Điều quan trọng chúng ta sẽ định hướng như thế nào? Nếu như được gọi là định hướng nghề nghiệp thì có nghĩa không phải là các em học sinh kém mà tất cả các em học sinh đều phải được tư vấn nghề nghiệp và hoàn toàn sẽ có những trường hợp đỗ, thậm chí có khả năng đỗ cao vào các trường THPT, nhưng lại lựa chọn những trường song bằng, những trường nghề, bởi vì các em thấy phù hợp.
Nhưng ở đây chúng ta không thấy hiện tượng như vậy. Và do vậy chúng ta phải nhìn nhận chúng ta sẽ làm thế nào với tất cả các em học sinh, chúng ta cũng nhìn thấy là giáo dục nghề nghiệp vẫn còn đang rất kém. Tỉ lệ các em học sinh từ lớp mười một, mười hai hiểu và lựa chọn ngành nghề phù hợp với chính bản thân các em rất thấp, chứ chưa nói đến là học sinh lớp 9.
Do vậy, để nghiên cứu và lựa chọn nghề, chúng ta cần có một hệ thống giáo dục nghiêm túc từ lớp một, nếu như chúng ta muốn phân hóa học sinh. Do vậy cần hành động dài hơi chứ không phải là những lời tư vấn trong thời gian rất ngắn ngủi, cỡ khoảng một buổi, một tiếng đồng hồ.
PV: Theo bà, bất cập nào cần được ưu tiên giải quyết để tránh những ồn ào tương tự?
TS.Vũ Thu Hương: Những bất cập của ngành giáo dục rất nhiều, nhưng dường như chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn, khi nó đã trở thành hậu quả, và tôi nghĩ bất cập nó đến từ phương pháp chúng ta đánh giá giáo viên như thế nào? Rõ ràng đây là một ngành nghề đặc thù, điều mà chúng ta cần phải làm là đo được mức độ giáo viên đã tác động để những đứa trẻ tốt hơn lên, chứ không phải là chúng ta đo thành tích mà học sinh đã đạt được.
Đo sự tiến bộ của học sinh chắc chắn sẽ không phải là đo tỉ lệ những đứa trẻ đỗ THPT hay là tỉ lệ những học sinh giỏi, những học sinh thi được giải. Khi chúng ta đánh giá sai thì tất cả những tiêu cực sẽ xảy ra.
Ở các quốc gia thì chúng tôi nhìn thấy cách họ đánh giá giáo viên sẽ dựa trên những buổi kiểm tra đột xuất của các thanh tra, họ sẽ không kiểm tra giáo viên. Họ sẽ không dự giờ mà họ trực tiếp kiểm tra học sinh và so sánh những kết quả họ đã kiểm tra đó với những đánh giá hàng ngày trong lớp, trong trường.
PV: Xin cảm ơn bà!