Định hình lại xu hướng xây dựng thương hiệu cá nhân của giới trẻ trong thời đại số
Trong thời đại số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành 'sân khấu' để giới trẻ xây dựng và khẳng định thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít thách thức và rủi ro, như áp lực duy trì hình ảnh, sự cạnh tranh gay gắt và nguy cơ bị đánh giá sai lệch của giới trẻ.
Không gian mới cho sáng tạo và thể hiện bản thân
Mạng xã hội ngày càng phổ biến đã làm thay đổi cách giới trẻ tương tác và thể hiện cá tính. Nếu trước đây, việc này chỉ diễn ra chủ yếu trong môi trường trực tiếp như trường học, nơi làm việc hoặc các sự kiện cộng đồng thì giờ đây, mạng xã hội trở thành không gian đầu tiên và chủ yếu để người trẻ kể câu chuyện của mình.
Có thể thấy, chỉ với một chiếc điện thoại và tài khoản cá nhân, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người dùng khác. Từ đó, mạng xã hội đã hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo, phản hồi nhanh và kết nối rộng mở. Đây là nền tảng để giới trẻ bước vào hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân, không qua truyền hình hay báo chí mà thông qua chính nội dung họ đăng tải mỗi ngày.

Từ các hoạt động cộng đồng, mỗi bạn trẻ có góc nhìn riêng và thể hiện qua các nền tảng xã hội.
Đào Quang Duy Đạt, một người làm nội dung trên TikTok, chia sẻ: “Ban đầu mình và nhóm bạn chỉ quay vài video giải trí, thấy người khác làm vui nên thử theo. Nhưng càng làm, nhận được phản hồi tích cực, mình mới nghĩ đến việc xây dựng nội dung chỉn chu và có định hướng lâu dài hơn”.
Từ hình ảnh đời thường, câu chuyện cá nhân đến những chia sẻ về phong cách sống và giá trị tinh thần, mạng xã hội giúp người trẻ không chỉ thể hiện bản thân mà còn tìm thấy cộng đồng chung mối quan tâm. Những kết nối ảo nếu được nuôi dưỡng đúng cách có thể trở thành động lực phát triển nghề nghiệp, tạo cơ hội và lan tỏa thông điệp tích cực.

Không gian trưng bày văn hóa truyền thống, nơi các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo cá nhân.
Đáng chú ý, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội không còn là đặc quyền của người nổi tiếng hay chuyên gia truyền thông, bất kỳ ai cũng có thể định hình hình ảnh riêng nếu hiểu bản thân hiểu công chúng và có định hướng rõ ràng.
Theo giảng viên Huỳnh Thanh Tuấn, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Văn Lang: “Một kênh mạng xã hội cá nhân thành công cần ba yếu tố chính: Mục tiêu nội dung rõ ràng, thông điệp nhất quán và chất lượng thể hiện chỉn chu. Đó là sự kết hợp giữa chiến lược và cảm xúc”.
Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người trẻ chọn chia sẻ hành trình của mình: Học tập, khởi nghiệp, người mê du lịch, khám phá làng quê… Những câu chuyện đời thường được kể bằng giọng riêng, hình ảnh chân thực đã tạo nên sự khác biệt và khiến người xem tin tưởng.
Không chỉ là xu hướng, thương hiệu cá nhân đã trở thành một tài sản nghề nghiệp. Nhiều cá nhân nhờ tạo dựng hình ảnh uy tín đã có cơ hội hợp tác quảng cáo, khởi nghiệp hoặc mở rộng ảnh hưởng trong cộng đồng.

TikToker N.M Phúc - một người trẻ có kênh riêng thu hút được hàng chục ngàn lượt theo dõi.
Mặt trái và trách nhiệm trong kỷ nguyên số
Tuy vậy, hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ toàn hoa hồng. Cùng với sự nổi tiếng là áp lực duy trì hình ảnh, nỗi lo bị phán xét, hoặc rơi vào “văn hóa tẩy chay” khi có phát ngôn sai sót, dù là vô tình. Không ít người chia sẻ cảm giác mệt mỏi khi phải “sống hai đời”: Một trên mạng, một ngoài đời thực.
Thêm vào đó, nguy cơ bị giả mạo để lừa đảo ngày càng đáng lo. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2024 có hơn 2.300 trường hợp báo cáo về tài khoản giả danh người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng để trục lợi.
Cũng không thiếu trường hợp vì chạy theo lượt xem mà đánh đổi giá trị ban đầu. Những nội dung giật gân, gây sốc dễ “viral” nhưng đồng thời làm xói mòn niềm tin từ khán giả. Vụ việc gần đây liên quan đến các cá nhân như Hằng Du mục, Quang Linh Vlog hay hoa hậu Thủy Tiên đã lợi dụng hình ảnh để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức và trách nhiệm đi kèm với sức ảnh hưởng số.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Thị Mỹ Vân, muốn phát triển bền vững, người làm nội dung cần xác định rõ “giá trị cốt lõi” của mình. Đó là điều khiến bạn trẻ khác biệt và khán giả nhớ đến lâu dài, chứ không phải là những clip trôi qua theo xu hướng ngắn hạn.
Một số nguyên tắc thực tiễn được nhiều chuyên gia gợi ý bao gồm: Tập trung vào nội dung có giá trị thật; tương tác thật với người xem; chọn nền tảng phù hợp thay vì dàn trải và không ngừng học hỏi kỹ năng sản xuất nội dung.

Góc nhìn riêng từ các bạn trẻ qua mỗi một sự kiện văn hóa, lịch sử.
Một ví dụ điển hình là N.M Phúc, bạn trẻ đến từ Đà Lạt, ghi lại cuộc sống thành phố sương mù bằng những hình ảnh mộc mạc, giàu cảm xúc. Phúc không chạy theo trào lưu mà trung thành với phong cách nhẹ nhàng, chân thực. Nhờ vậy, kênh TikTok của Phúc thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi và góp phần quảng bá văn hóa địa phương một cách tự nhiên, gần gũi.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam cũng khẳng định: “Điều quan trọng nhất vẫn là khán giả. Người làm nội dung cần hiểu cách tiếp cận, tương tác và tạo ra giá trị lâu dài. Đặc biệt, những nội dung mang yếu tố văn hóa truyền thống rất đáng được khuyến khích vì giúp lan tỏa các giá trị cộng đồng trong thời đại số”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong dòng chảy số hóa mạnh mẽ, mỗi cá nhân đều có thể trở thành “nhà sáng tạo nội dung” với tiếng nói riêng, góp phần làm phong phú không gian văn hóa chung. Theo đó, mạng xã hội không chỉ là nền tảng giáo dục không chính thống, nơi giá trị cá nhân được thể hiện và lan tỏa mà còn đòi hỏi sự đầu tư bền vững, lấy văn hóa làm cốt lõi để kết nối cộng đồng và tạo dấu ấn riêng trong thời đại biến động.