Định hình các cực tăng trưởng mới
Cực tăng trưởng mới của các vùng kinh tế xã hội đang dần được định hình rõ nét để tạo động lực mang tính lan tỏa.
Hải Phòng, một trong hai thành phố trực thuộc trung ương tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, mới được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 12,5%, cao nhất khu vực và cao thứ ba cả nước, theo Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Vùng Đông Nam Bộ được xem là đầu tàu kinh tế phía Nam, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao được giao cho Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng ở mức 10% năm 2025.
Ở bốn vùng kinh tế xã hội còn lại, chỉ tiêu tăng trưởng cao cũng được giao cho một số địa phương có tiềm năng. Những địa phương này được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, bổ trợ cho những cực tăng trưởng truyền thống, qua đó đảm bảo động lực tăng trưởng thực chất và bao trùm.
Cực tăng trưởng mới
Trong suốt gần 40 năm mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã hình thành được một số khu vực kinh tế trọng điểm, nổi lên một số địa phương được xem như đầu tàu tăng trưởng của đất nước.
Chẳng hạn, trong suốt nhiều năm, TP. HCM đóng góp gần 20% GDP và 25% tổng thu ngân sách của cả nước. Thủ đô Hà Nội đóng góp 16% GDP và hơn 18% tổng thu ngân sách cả nước. Một số địa phương như Cần Thơ, Đà Nẵng cũng có sự phát triển về kinh tế nổi bật hơn hẳn so với những tỉnh trong khu vực.
Có thể nói, các cực tăng trưởng truyền thống đã phát huy đúng vai trò, là yếu tố quan trọng duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong hàng chục năm qua. Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, các địa phương nói trên còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới địa phương lân cận, đặc biệt nếu có kết nối tốt về hạ tầng giao thông.
Chẳng hạn, tại Đồng bằng sông Cửu Long, là “vùng trũng về thu hút đầu tư”, ngoài Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, được xem như trung tâm của vùng thì tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang cũng có kết quả thu hút đầu tư tương đối nổi bật, hình thành được một số cụm công nghiệp mạnh nhờ vào kết nối cao tốc trực tiếp với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Hoặc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Quảng Nam nằm sát TP. Đà Nẵng, nhờ vào vai trò cửa ngõ của thành phố này, cũng được hưởng lợi trong việc thúc đẩy du lịch và tiêu thụ nông sản.
Nhờ vào hiệu ứng lan tỏa, một số địa phương đã và đang tiếp tục tận dụng tốt lợi thế để tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Các địa phương này có thể tiếp tục trở thành những cực tăng trưởng mới, đẩy mạnh hiệu ứng lan tỏa, tạo ra động lực đưa đất nước hướng đến mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển và có thu nhập cao.

Quảng Ninh sẽ trở thành cực tăng trưởng mới vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Hoàng Anh
Chẳng hạn, Quảng Ninh và Hải Phòng cùng với Thủ đô Hà Nội hợp thành tam giác kinh tế lớn nhất miền Bắc. Trong đó, Hải Phòng và Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển của miền Bắc với một hệ sinh thái kinh tế biển tương đối hoàn thiện.
Đây cũng là hai địa phương luôn nằm trong top đầu về các thành tích cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư.
Tại Khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, tỉnh Bắc Giang được giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 13,6%, cao nhất cả nước. Tỉnh Bắc Giang những năm gần đây nổi lên như một trung tâm thu hút FDI mới, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, với nhiều “đại bàng” như Foxconn, Hana Micron, Luxshare.
Mô hình hệ sinh thái công nghiệp là định hướng của Bắc Giang nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Bên cạnh đó, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được khởi công vào tháng 4/2024, dự kiến hoàn thành năm 2026 sẽ tăng tính kết nối của tỉnh này với khu vực biên giới, thuận tiện lưu chuyển hàng hóa quốc tế, đồng thời tạo sức lan tỏa của cực tăng trưởng mới tới vùng “phên dậu” phía Bắc.

Ninh Thuận là nơi dự kiến triển khai dự án điện hạt nhân, được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng phía Nam vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Ảnh: Hoàng Anh
Khu vực Duyên hải Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận được giao chỉ tiêu tăng trưởng 13% năm 2025. Đây là địa phương đóng vai trò hết sức đặc biệt trong kỷ nguyên mới khi được tái khởi động dự án điện hạt nhân, dự kiến đóng vai trò là nguồn điện nền phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Bên cạnh đó, kinh tế biển của Ninh Thuận cũng phát triển tốt với hệ thống cảng biển, trung tâm logistics, dịch vụ du lịch và điện gió ngoài khơi. Khu kinh tế ven biển phía nam ở huyện Thuận Nam và Ninh Phước dự kiến sẽ trở thành khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa được giao mục tiêu tăng trưởng 11%. Thực tế cho thấy, Thanh Hóa là địa phương duy trì được mức tăng trưởng cao những năm gần đây, riêng năm 2024 tăng trưởng hơn 11,7%, xếp thứ ba cả nước.
Diện tích rộng, đầy đủ các loại địa hình, không gian kinh tế biển lớn, sở hữu cảng nước sâu tại Nghi Sơn và cảng hàng không Thọ Xuân là những lợi thế giúp Thanh Hóa đạt được kết quả kinh tế ấn tượng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng liên kết tốt với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với kỳ vọng cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác tăng trưởng.
Nhìn trên bản đồ, hai cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đảm bảo được tính lan tỏa cho vùng kinh tế xã hội có hình dạng dài, hẹp này, đồng thời tăng cường tính kết nối của vùng với các vùng kinh tế xã hội phía Nam và phía Bắc của đất nước.
Tại Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đều được giao chỉ tiêu tăng trưởng 10% năm 2025. Đây là ba địa phương tiếp giáp với TP.HCM, có mức độ phát triển kinh tế và công nghiệp hóa top đầu khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, sở hữu hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh với các khu công nghiệp tầm cỡ khu vực như VSIP, Amata, Phú Mỹ.

Cần Thơ đang hướng đến trở thành trung tâm logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hoàng Anh
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt với chỉ tiêu tăng trưởng 9,5%, cao nhất vùng. Sau khi công bố quy hoạch vùng, Cần Thơ, với cơ chế đặc thù, được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm logistics cho đất Chín Rồng, là mảnh ghép quan trọng cho bức tranh sản xuất, tiêu thụ nông sản tại vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước.
Một yếu tố đặc biệt giúp thúc đẩy việc hình thành các cực tăng trưởng mới là Chính phủ đang dồn nguồn lực thúc đẩy các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông đường bộ, đường cao tốc, đường sắt và sân bay.
Bên cạnh đó, các hội đồng điều phối vùng, cơ chế liên kết vùng mới được khai sinh sau các nghị quyết phát triển vùng kinh tế xã hội của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết và quy hoạch tổng thể vùng, cũng đã được thành lập, bước đầu cho thấy hiệu quả trong việc phân bổ vốn đầu tư, triển khai các dự án mang tính liên vùng.
Với cơ chế liên kết vùng hiệu quả, hạ tầng giao thông dần được đồng bộ và hoàn thiện, các cực tăng trưởng mới có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt hơn, qua đó thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước, tiến đến mục tiêu trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.