Dinh dưỡng hỗ trợ điều trị lao cột sống
Bệnh lao cột sống có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Để hỗ trợ điều trị hiệu quả thì chế độ dinh dưỡng là biện pháp rất quan trọng.
Nội dung
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh lao cột sống
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh lao cột sống
3. Một số thực phẩm gây hại cho cơ thể người bệnh lao cột sống
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh lao cột sống
Bệnh lao cột sống không chỉ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tác động đến khả năng ăn uống của người bệnh. Những cơn đau và hạn chế vận động có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tự chuẩn bị và ăn uống.
Các triệu chứng thường gặp như sốt và mệt mỏi dễ làm người bệnh chán ăn, ăn không ngon miệng. Ngoài ra, thuốc điều trị lao có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, rối loạn tiêu hóa làm giảm cảm giác thèm ăn và khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Do những ảnh hưởng này, người bệnh lao cột sống cần được quan tâm đặc biệt về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phục hồi.
Theo ThS.BSCKII Vũ Thị Dịu, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, BV 19-8, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị hiện nay, bệnh lao cột sống có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh được phát hiện sớm và chữa trị đúng phác đồ. Mục đích trong điều trị lao cột sống là giảm đau cột sống, ngăn ngừa biến chứng, phục hồi và bảo tồn chứng năng của cột sống và thần kinh.
Người bệnh cần dùng thuốc theo phác đồ của chương trình chống lao Quốc gia. Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có biến chứng như biến dạng xương khớp, xuất hiện ổ áp xe lớn, vận động bị hạn chế nhiều. Đối với các biện pháp không dùng thuốc, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập vận động dần dần...

Mục đích điều trị lao cột sống là giảm đau cột sống, ngăn ngừa biến chứng.
Chế độ dinh dưỡng tốt mang lại nhiều lợi ích cho hiệu quả điều trị và quá trình hồi phục của người bệnh lao cột sống bao gồm: Tăng cường khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống lại vi khuẩn lao hiệu quả hơn; Cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng giúp người bệnh giảm mệt mỏi, suy nhược; tái tạo tế bào và mô bị tổn thương.
Chế độ ăn phù hợp cũng giúp giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc điều trị lao, đồng thời bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho xương chắc khỏe, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương do tổn thương cột sống.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh lao cột sống
Về nguyên tắc chung, người bệnh cần được cung cấp đủ dinh dưỡng bao gồm 4 nhóm chất: Đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất; Đảm bảo đủ calo nếu người bệnh bị sụt cân do tác dụng phụ của thuốc; Đa dạng thực phẩm, thay đổi món ăn hằng ngày để đảm bảo đủ chất và kích thích vị giác; Ăn chín, uống sôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra nên chú ý bổ sung các dưỡng chất sau:
Protein
Việc bổ sung protein rất quan trọng cho việc xây dựng và phục hồi các mô bị tổn thương, sản xuất kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch.
Nguồn thực phẩm giàu protein: Thịt nạc (gà, cá, bò), trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại đậu, đậu phụ, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó)...
Chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón (một tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc lao). Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu...
Chất béo lành mạnh omega-3
Omega-3 có tác dụng chống viêm giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp ở người bệnh lao cột sống.
Nguồn thực phẩm giàu omega-3 tốt nhất có trong cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm), hạt lanh, hạt chia, quả óc chó.
Canxi
Tăng cường thực phẩm giàu canxi giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương do tổn thương cột sống.
Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm: Sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua), cá nhỏ ăn cả xương, rau xanh đậm (bina, cải xoăn, bông cải xanh), đậu phụ, vừng đen...
Các vitamin và khoáng chất khác
Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Người bệnh nên ăn các loại cá béo, lòng đỏ trứng, nấm...
Vitamin K: Tham gia vào quá trình đông máu và chuyển hóa xương, giúp duy trì mật độ xương khỏe mạnh. Vitamin K có trong rau xanh đậm (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh), súp lơ, bắp cải, dầu thực vật.
Vitamin C: Có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vitamin C cũng tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, một thành phần quan trọng của xương và sụn.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin C là các loại trái cây tươi (cam, quýt, ổi, kiwi, dâu tây) và rau xanh (ớt chuông, bông cải xanh, cà chua)...
Kẽm: Là khoáng chất quan trọng cho chức năng hệ miễn dịch, cần thiết cho sự phát triển và phục hồi của tế bào. Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm: Thịt đỏ, hải sản (hàu, tôm, cua), các loại đậu, hạt bí ngô, hạt điều.
Sắt: Cần thiết cho việc vận chuyển oxy trong máu, giúp giảm mệt mỏi và tăng cường năng lượng cho người bệnh lao cột sống. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, các loại đậu, rau xanh đậm...

Chế độ dinh dưỡng cung cấp năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phục hồi.
3. Một số thực phẩm gây hại cho cơ thể người bệnh lao cột sống
Để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị và phục hồi bệnh lao cột sống, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm có thể gây hại cho cơ thể, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là những nhóm thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh:
Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh: Thường chứa nhiều chất béo bão hòa, chất bảo quản, muối và đường, ít chất dinh dưỡng cần thiết. Ăn nhiều loại đồ ăn này gây tăng cân, tăng áp lực lên cột sống, làm suy yếu hệ miễn dịch và cản trở quá trình phục hồi.
Các món ăn nhiều dầu mỡ: Các món chiên, xào nhiều dầu mỡ có thể gây tăng cân, tăng cholesterol, làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể và gây áp lực lên cột sống.
Bánh kẹo, nước ngọt: Bánh kẹo, nước ngọt và các thực phẩm chứa nhiều đường làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao và kích thích viêm nhiễm.
Thức ăn chứa nhiều muối: Ăn nhiều muối có thể gây tích nước, làm sưng tấy vùng cột sống bị tổn thương.
Thực phẩm chứa chất kích thích: Uống rượu, bia gây mất nước, cản trở hấp thu canxi, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Uống cà phê, trà đặc dễ gây mất ngủ, lo lắng và ảnh hưởng đến quá trình hấp thu một số khoáng chất.
Lưu ý: Để có chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe và từng giai đoạn điều trị, người bệnh lao cột sống nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Không tự ý uống thuốc bổ hoặc bổ sung các loại vitamin nếu không có chỉ định.