Không chủ quan với bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ đang trở thành một trong những bệnh lý phổ biến, khi lối sống thiếu vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh gia tăng. Đây là căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Béo phì và thừa cân làm tăng lượng mỡ tích tụ trong gan. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị biến chứng do thừa cân, béo phì tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.
Bước ra từ cửa phòng khám sau một buổi thăm khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm khám sức khỏe định kỳ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Anh V.H.C. (38 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Do đặc thù công việc, tôi phải tiếp khách khá nhiều nên việc uống bia rượu thường xuyên là khó tránh khỏi. Gần đây tôi thấy cơ thể có những dấu hiệu không ổn, tăng cân mất kiểm soát nên đã đi thăm khám sức khỏe định kỳ. Thật may mắn là chỉ có một vài vấn đề nhỏ như mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Bác sĩ cũng đã kê thuốc, dặn dò chế độ ăn uống, tập luyện, đặc biệt là phải hạn chế bớt bia rượu lại, tôi thấy yên tâm hơn hẳn”.
Với thực trạng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, khi lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh gia tăng, chắc hẳn việc coi mắc gan nhiễm mỡ là “may mắn” như trường hợp nói trên không hề hiếm trong một phận người dân. Thế nhưng, đối với các chuyên gia y tế, đây là căn bệnh có thể gọi bằng cái tên “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi lẽ nó tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, có thể dẫn đến ung thư gan ngay từ giai đoạn F1, F2 mà không nhất thiết trải qua giai đoạn xơ gan. Ngoài ra, bệnh gan nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng gấp 20 lần và có tác động đến các bệnh lý ngoài gan như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, hội chứng ngưng thở khi ngủ...
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Thành - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc lý giải: “Gan nhiễm mỡ hay còn gọi là thoái hóa mỡ gan. Đây là tình trạng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan. Khi gan bị bao phủ bởi lớp mỡ tích tụ lâu ngày sẽ phá hủy dần các tế bào gan và khiến chức năng gan bị suy giảm. Khi mỡ tích tụ quá nhiều và lâu ngày tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, độc tố từ ruột và bên ngoài xâm nhập vào và gây bệnh viêm gan. Tiếp theo, đó là sự suy giảm chức năng của các tế bào gan bị mỡ bao phủ lâu ngày, điều này khiến các tế bào gan hoạt động quá mức, tạo ra các sợi xơ ở gan. Sự phát triển các sợi xơ ngày càng nhiều gây tổn thương, hoại tử tế bào gan và cấu trúc của gan khi này cũng bị thay đổi, dễ hình thành các mô sẹo khiến gan bị chai cứng, không còn khả năng phục hồi và dẫn tới xơ hóa gan. Và khi tế bào gan đã bị phá hủy bởi các mô sẹo, tình trạng xơ gan tăng dần sẽ giết chết hàng loạt các tế bào gan lành, thay vào đó là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát được của các tế bào gan ác tính (ung thư gan). Có thể nói, bệnh gan nhiễm mỡ có tiến triển âm thầm, sau thời gian dài nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển thành xơ gan, ung thư gan”.
Bệnh gan nhiễm mỡ có một đặc thù là các dấu hiệu ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ rệt, mà diễn biến âm thầm nên nhiều người không biết mình mắc bệnh hoặc biết mà chủ quan, bỏ qua. Chính điều này đã khiến nhiều người bệnh phải đối mặt với biến chứng gan nhiễm mỡ nặng gây xơ gan, ung thư gan.
Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên, theo ước tính tại Việt Nam, khoảng 20 - 30% dân số bị gan nhiễm mỡ và tỷ lệ này đang ngày một tăng. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, lứa tuổi bị gan nhiễm mỡ đa số là từ 40 - 60 tuổi thì hiện nay bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng trẻ hóa, có những người mới chỉ ngoài 20 hoặc 30 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ.
Theo BS Lưu Thị Minh Diệp - Trung tâm Tiêu hóa Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai), có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Đầu tiên phải kể đến là thói quen ăn uống không lành mạnh, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, sử dụng rượu bia từ lượng ít đến nhiều cùng lối sống thiếu vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, thừa cân, béo phì, các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, di truyền cũng là những nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ.
Mặc dù vậy, BS Diệp cũng khẳng định, bệnh gan nhiễm mỡ là một bệnh lý có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Đồng thời, đây không phải là một căn bệnh không thể chữa trị, nhưng nó đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ chính mỗi người.
Để phòng ngừa và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, chuyên gia y tế khuyến cáo, bên cạnh các thuốc do bác sĩ chuyên khoa kê đơn thì lối sống, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Theo đó, cần tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm chứa chất xơ, hạn chế đường, dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn. Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Việc đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc yoga có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm mỡ trong cơ thể. Đạt và duy trì cân nặng lý tưởng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Nếu có các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao, cần kiểm soát tốt bệnh lý này để ngăn ngừa biến chứng gan nhiễm mỡ. Nếu có các yếu tố nguy cơ, hãy đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.