Đình công phản đối tăng thuế và giá điện tại Sri Lanka
Ngày 15/3, các nhân viên làm việc tại cảng, bệnh viện, trường học và ga tàu ở Sri Lanka đã đình công để yêu cầu chính phủ giảm thuế, lãi suất và tiền điện trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Hàng nghìn người lao động thuộc hơn 40 nghiệp đoàn khác nhau đã tham gia cuộc đình công ngày 15/3. Các nhân viên lái tàu nghỉ việc dẫn đến ngành vận tải đường sắt tại nước này bị gián đoạn, trong khi các tàu chở hàng cũng bị hoãn chuyến do nhân viên tại cảng biển lớn nhất đình công.
Trường học buộc phải đóng cửa khi các giáo viên không đến trường, ảnh hưởng đến các kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Trong khi đó, các bưu điện và ngân hàng nhà nước cũng ngưng hoạt động. Một số dịch vụ quan trọng như dịch vụ y tế khẩn cấp vẫn được duy trì.
Trước đó, Chính phủ Sri Lanka đã giải thích việc tăng thuế và giá điện là một trong những biện pháp nhằm đáp ứng điều kiện để nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá 2,9 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Quốc gia Nam Á này đang nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng sau khi chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 5/2022.
Người phát ngôn chính phủ kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Sri Lanka, ông Bandula Gunawardena, nhấn mạnh đất nước đang trong thời điểm rất nhạy cảm và chính phủ mong nhận được sự cảm thông, hỗ trợ từ người dân. Ông cho biết doanh thu từ thuế tăng sẽ mang lại lợi ích cho chính người dân.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập năm 1948 với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Do tình trạng vỡ nợ quốc tế, đảo quốc với 22 triệu dân này cũng đang phải chịu mức thuế cao cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cùng vấn nạn khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, cũng như tình trạng cắt điện mỗi ngày.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 8,7% trong năm 2022./.