Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp…
Sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Thời gian qua, đồng USD mạnh lên gây áp lực tới tỷ giá, giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị đội lên và làm tăng giá thành. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá? Đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng?”
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế rất phức tạp. Đồng USD biến động mạnh, có giảm vào tháng 92024 nhưng sau đó tăng rất mạnh vào tháng 10. Do đó, việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá rất khó khăn, phụ thuộc lớn vào cung – cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng đánh giá hiện nay nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa, do đó thị trường bị tác động bởi tâm lý và kỳ vọng rất nhiều.
“Nhiều tổ chức có ngoại tệ không bán, hoặc chưa có nhu cầu thực họ đã mua. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, khi thị trường có nhu cầu thực thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bán can thiệp”, bà Hồng nói.
Thống đốc cho biết áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm. “Nếu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng.
Do đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Ngoài vấn đề tỷ giá, bà Hồng cho biết (1) nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất và (2) nợ xấu là trở ngại khiến ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay, vì lãi suất phản ánh rủi ro của nền kinh tế
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng hơn 2 lần so với mức 2% của năm 2022. Ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các khoản nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản thế chấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng.