Thành lập sàn giao dịch vàng, vẫn cần nghiên cứu để phù hợp với điều kiện thực tế

Giữa bối cảnh thị trường tài chính biến động mạnh mẽ, việc quản lý thị trường vàng và ngoại hối trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay (11/11), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã giải đáp chi tiết các câu hỏi liên quan đến hai lĩnh vực trọng yếu này, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới phát triển bền vững.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Nỗ lực bình ổn thị trường vàng

Thị trường vàng, với vai trò là một phần quan trọng trong nền kinh tế tài chính, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu. Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đặt câu hỏi: Ngày 14/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian qua NHNN đã thực hiện các yêu cầu này ra sao. Tác động đến giá vàng hiện tại và tương lai như thế nào. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì nêu vấn đề: “NHNN chỉ bán vàng miếng bình ổn giá mà không mua lại. Nếu người dân muốn bán vàng, họ sẽ phải làm gì khi ngân hàng và các cửa hàng không mua. Điều này có dẫn đến việc giao dịch tại thị trường chợ đen. Tại sao NHNN không mở rộng mạng lưới bán vàng ra các tỉnh thành khác.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho biết, nhiều quốc gia đã thành lập sàn giao dịch vàng để minh bạch hóa thị trường và thu hút nguồn lực. Liệu NHNN có kế hoạch xây dựng sàn giao dịch vàng hay không.

Trả lời những vấn đề được nêu ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc quản lý thị trường vàng luôn được NHNN đặt trọng tâm với các biện pháp cụ thể, vừa đảm bảo ổn định thị trường, vừa kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn.

Về các biện pháp bình ổn giá vàng, Thống đốc cho biết: Thị trường vàng Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá vàng quốc tế. Từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng mạnh, lập đỉnh 2.300-2.400 USD/oz vào tháng 6/2024. Điều này khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn so với quốc tế, có thời điểm lên đến 15-18 triệu đồng/lượng.

Để thu hẹp khoảng cách này, NHNN đã tổ chức đấu thầu và bán vàng trực tiếp thông qua 4 ngân hàng thương mại lớn và công ty SJC. Qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng đã giảm xuống chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng. Đây là kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, thị trường vàng vẫn sẽ đối mặt với những biến động khó lường do Việt Nam không sản xuất vàng và phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Về lý do NHNN không mua lại vàng, Thống đốc, cho biết, việc mua lại vàng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề kiểm định chất lượng vàng. Để đảm bảo an toàn, NHNN không trực tiếp thực hiện mà đã cấp phép cho 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng. Người dân có thể giao dịch tại các đơn vị này.

“Nếu tại một số khu vực người dân không bán được vàng, nguyên nhân có thể đến từ việc doanh nghiệp thiếu nguồn lực hoặc do đặc thù của khu vực đó. NHNN chỉ cấp phép hoạt động, không quy định cụ thể địa điểm giao dịch”, Thống đốc cho hay.

Đối với việc xây dựng sàn giao dịch vàng, Thống đốc nhận định, việc thành lập sàn giao dịch vàng có thể giúp minh bạch hóa giao dịch, tạo thuận lợi cho các chủ thể trong thị trường. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn cung và nhân lực. “Vì vậy, chúng tôi cần phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ. Đối với mạng lưới bán vàng, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ tự đánh giá nhu cầu tại địa phương để mở rộng chi nhánh”, Thống đốc phát biểu.

Như vậy, những biện pháp của NHNN đã góp phần bình ổn thị trường vàng, giảm áp lực tâm lý và duy trì sự ổn định kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ chế dài hạn, như thành lập sàn giao dịch vàng, vẫn cần nghiên cứu thêm để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối với vai trò then chốt trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng nhận được nhiều câu hỏi từ đại biểu. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn nhưng NHNN áp dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%. Trong khi đó, nhà nước lại đi vay vốn nước ngoài với lãi suất cao. “Tại sao không huy động vốn từ người dân với lãi suất thấp hơn”, đại biểu hỏi.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) thì cho biết, xu hướng lãi suất thế giới giảm, đồng USD tăng giá, gây áp lực lớn lên tỷ giá và giá cả hàng hóa nhập khẩu. “NHNN có giải pháp gì để ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong thời gian tới”, đại biểu đặt vấn đề. Đại biểu Phúc Bình (Đắk Lắk) thì cho biết, hiện nay, nhiều sàn giao dịch ngoại hối trái phép hoạt động trên không gian mạng, đặc biệt là Forex. NHNN có biện pháp gì để quản lý và ngăn chặn các hoạt động này.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0% là nhằm hạn chế đô la hóa và khuyến khích người dân chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trước đây, thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Với chính sách lãi suất 0%, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng mạnh, từ hơn 30 tỷ USD vào năm 2015 lên hàng trăm tỷ USD hiện nay.

“Nếu nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, người dân sẽ có lợi kép từ cả biến động tỷ giá và lãi suất, làm gia tăng tâm lý găm giữ, gây áp lực lên thị trường”, Thống đốc cho hay.

Về ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, Thống đốc nhấn mạnh, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ ±5%. Khi tỷ giá biến động mạnh, chúng tôi sẵn sàng can thiệp bằng cách bán ngoại tệ để ổn định thị trường. Đồng thời, NHNN tăng cường công tác truyền thông để giảm tâm lý đầu cơ và kỳ vọng không hợp lý từ người dân và doanh nghiệp.

Đối với vấn đề xử lý kinh doanh ngoại hối trái phép, liên quan đến các sàn giao dịch Forex không phép, Thống đốc cho biết, hiện nay, chỉ các tổ chức tín dụng được cấp phép mới được kinh doanh ngoại hối. Các sàn giao dịch không phép, đặc biệt trên không gian mạng, thường có tính chất lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho người tham gia. NHNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị trường vàng và ngoại hối không chỉ giải quyết được các thách thức hiện tại mà còn tạo nền tảng ổn định lâu dài cho nền kinh tế. Những giải pháp như điều hành tỷ giá linh hoạt, bình ổn giá vàng, hạn chế đô la hóa và kiểm soát chặt chẽ giao dịch trái phép thể hiện vai trò then chốt của NHNN trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới, việc xây dựng các cơ chế dài hạn sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam thích ứng với các biến động kinh tế toàn cầu.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thanh-lap-san-giao-dich-vang-van-can-nghien-cuu-de-phu-hop-voi-dieu-kien-thuc-te-157656.html
Zalo