Điều trị ung thư bằng xạ trị cực nhanh

Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vật lý hạt châu Âu (CERN), ngoại ô Geneva, Thụy Sĩ, đang nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ xạ trị ung thư mới. Mục tiêu là chữa khỏi các khối u não phức tạp, loại bỏ ung thư đã di căn đến các cơ quan và hạn chế tác động của phương pháp điều trị ung thư lên cơ thể con người.

 Bệnh nhân chuẩn bị cho xạ trị thông thường tại một bệnh viện ở Savoie, Pháp

Bệnh nhân chuẩn bị cho xạ trị thông thường tại một bệnh viện ở Savoie, Pháp

Xạ trị cực nhanh

Công nghệ tiên phong là Flash, kỹ thuật xạ trị với liều lượng bức xạ cực cao trong vòng chưa đầy một giây. Phương pháp này, được nhà sinh học phóng xạ Marie-Catherine Vozenin phát triển, cho thấy tiềm năng lớn trong việc tiêu diệt khối u, đồng thời bảo vệ các mô khỏe mạnh.

Flash ban đầu được thử nghiệm trên động vật gặm nhấm và đang được nghiên cứu để áp dụng cho người. Phương pháp giải quyết những hạn chế của xạ trị truyền thống, vốn đòi hỏi nhiều buổi điều trị kéo dài trong nhiều tuần.

Flash có thể cách mạng hóa việc điều trị ung thư bằng cách giảm tác dụng phụ và tăng hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu đến các khối u phức tạp.

Trong suốt ba thập kỷ qua, máy quét hình ảnh tiên tiến và máy xạ trị hiện đại đã giúp tăng độ chính xác trong việc nhắm mục tiêu đến các khối u. Tuy nhiên, nguy cơ gây hại và tác dụng phụ vẫn luôn hiện hữu.

Theo Vozenin, xạ trị có thể chữa khỏi khối u não ở trẻ em nhưng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm ảnh hưởng đến sự phát triển của não và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Giáo sư Billy Loo, chuyên gia xạ trị ung thư tại Trường Y khoa Đại học Stanford (Mỹ), cho biết việc nhắm mục tiêu vào các khối u lớn mà không làm tổn thương mô khỏe mạnh vẫn luôn là thách thức. Các khối u này thường không tách biệt rõ với mô xung quanh, khiến bác sĩ không thể sử dụng liều lượng bức xạ cao như mong muốn.

Vozenin cũng chỉ ra rằng, việc tăng liều bức xạ từ lâu được coi là cách để tăng đáng kể khả năng chữa khỏi ung thư, đặc biệt đối với những trường hợp khó điều trị. Một nghiên cứu trước đây cho thấy, tăng liều bức xạ ở bệnh nhân ung thư phổi có khối u di căn lên não có thể cải thiện tỷ lệ sống sót.

Và các nghiên cứu trên động vật gần đây đã chứng minh Flash có thể tăng đáng kể liều bức xạ lên cơ thể, trong khi hạn chế tối đa tác động đến mô khỏe mạnh. Billy Loo cho rằng, Flash có thể là bước đột phá, giúp giảm tổn thương cho mô bình thường mà vẫn duy trì hiệu quả điều trị.

Hiện nay, thử nghiệm trên người đang được tiến hành tại nhiều nơi trên thế giới. Bệnh viện Nhi Cincinnati ở Ohio, Mỹ, đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn đầu cho trẻ em bị ung thư di căn đến xương ngực. Tại Thụy Sĩ, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Lausanne cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 đối với bệnh nhân mắc ung thư da.

Thách thức thực tế

Có nhiều loại hạt được dùng trong xạ trị, mỗi loại có ưu và nhược điểm riêng. Một trong những dạng xạ trị hiệu quả là xạ trị sử dụng ion nặng carbon, nhưng phương pháp này đòi hỏi các cơ sở lớn và tốn kém.

Proton thường được dùng cho các khối u sâu trong cơ thể, trong khi Flash sử dụng các hạt năng lượng cao như proton để cung cấp bức xạ với tốc độ cực nhanh và khả năng giảm tác dụng phụ.

Tuy nhiên, phương pháp chỉ có thể thực hiện qua các thiết bị cỡ lớn tại trung tâm chuyên khoa, khiến chi phí bị đẩy cao. Vì vậy, bệnh nhân có thể phải di chuyển quãng đường dài để tiếp cận điều trị.

Dù các nhà nghiên cứu hy vọng rằng tất cả bệnh nhân có thể tiếp cận rộng rãi Flash trong tương lai, nhưng hiện tại, chỉ một số người có thể tiếp cận được.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học tại CERN đang nỗ lực phát triển máy gia tốc mới, bao gồm máy Flash tia X, giúp giảm kích thước thiết bị và giúp phương pháp điều trị dễ tiếp cận hơn.

Những cải tiến này có thể giúp Flash điều trị các khối u sâu hơn, thậm chí thay thế máy X-quang thông thường. Các chuyên gia lạc quan rằng tiến bộ này sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn các bệnh ung thư phức tạp như u nguyên bào thần kinh đệm và bệnh đã di căn.

"Ung thư di căn trở nên thách thức hơn do khối lượng tế bào ung thư phân bố rộng", bác sĩ về ung thư bức xạ André-Dante Durham Faivre giải thích. Điều này khiến việc chữa trị trở nên khó khăn, vì không thể cung cấp đủ bức xạ cho các mô xung quanh để tiêu diệt hết tế bào ung thư mà không làm tổn thương mô khỏe mạnh.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị mới đang thay đổi cách tiếp cận này, đặc biệt là với bệnh nhân có di căn hạn chế. "Flash mang lại hy vọng cho việc điều trị an toàn hơn với nhiều di căn", ông nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khoảng cách xạ trị

Tại Đại hội Ung thư Thế giới (UICC) vào tháng 9/2024, Katy Graef, Phó chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Bio Ventures for Global Health, đã chỉ ra một thách thức lớn trong sức khỏe toàn cầu, được gọi là "khoảng cách xạ trị".

Châu Phi cận Sahara đang đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng máy xạ trị, chỉ có 195 máy so với hơn 4.000 máy ở Mỹ và Canada. Với tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư hàng năm được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khu vực này cần thêm hơn 5.000 máy trong 2 thập kỷ tới, một nhu cầu mà nhiều quốc gia sẽ khó có khả năng chi trả.

Một đánh giá vào tháng 12/2024 về các kế hoạch kiểm soát ung thư quốc gia trên toàn cầu chỉ ra rằng, khoảng cách xạ trị không chỉ có ở châu Phi mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Chỉ khoảng 10% bệnh nhân ung thư ở các quốc gia thu nhập thấp có thể tiếp cận xạ trị, trong khi con số này lên tới 90% ở các quốc gia thu nhập cao.

Ngoài chi phí, những thách thức kỹ thuật như máy móc hỏng hóc trong điều kiện khí hậu nóng và thiếu kỹ thuật viên được đào tạo cũng là rào cản lớn. Để giải quyết vấn đề này, các sáng kiến, như Dự án Stella, đang phát triển máy gia tốc tiên tiến với phần mềm dự đoán để bảo trì thiết bị hiệu quả hơn.

Durham Faivre lạc quan rằng, Flash có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân ung thư ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tiếp cận phương pháp điều trị cần thiết.

Thay vì phải di chuyển quãng đường dài trong nhiều ngày để xạ trị, Flash có thể giúp họ hoàn thành xạ trị trong một hoặc vài buổi. Với thời gian cho mỗi lần điều trị chưa đến một giây, bác sĩ có thể điều trị nhiều bệnh nhân hơn trong một ngày.

Nhiều chuyên gia tin rằng, phương pháp này sẽ giúp các quốc gia có thu nhập cao tiết kiệm chi phí, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

"Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí sau khi đầu tư ban đầu, vì cần ít buổi điều trị hơn", giáo sư Constantinos Koumenis, chuyên gia về xạ trị ung thư tại Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận định. Ông cũng cho rằng, hệ thống y tế sẽ tiết kiệm chi phí nhờ giảm số lượng bệnh nhân phải nhập viện do biến chứng.

Nguồn: BBC

Tâm An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dieu-tri-ung-thu-bang-xa-tri-cuc-nhanh-2025021814514944.htm
Zalo