Tiên phong thực hiện xạ trị cho bệnh nhi: Dấn thân và hy sinh

Điều trị ung thư nhi có sự đóng góp quan trọng của xạ trị. Với nhiều đơn vị y tế, phương pháp này là một thách thức đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế trở thành một trong hai đơn vị hiếm hoi của cả nước triển khai xạ nhi gây mê nhờ có nhiều lợi thế.

Xạ trị không gây mê ca bệnh Thái M. A.

Xạ trị không gây mê ca bệnh Thái M. A.

Phòng xạ trị đặc biệt

Phòng xạ trị - nơi đặt hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính Elekta Synergy 160 lá thế hệ mới, yên ắng, chỉ có những âm thanh vui nhộn phát ra từ chiếc smartphone. Bé Thái M. A. (5 tuổi ở Nghệ An) đang nằm yên xem phim hoạt hình qua chiếc điện thoại, tay ôm chặt chú gấu bông nhỏ màu hồng yêu thích chuẩn bị vào cuộc xạ. Một điều dưỡng an ủi: “Con ngoan, chịu khó nằm yên trong vài phút là xong ngay thôi”!... Đây là cảnh khá quen thuộc với những ca xạ nhi. Bên cạnh điều trị, việc dỗ dành, trấn an tâm lý trẻ giữ vai trò quan trọng không kém.

Bên ngoài phòng chờ, chị Dương T. S. mẹ bé vẫn lo lắng đi lại, dù con xạ trị nhiều lần và sắp kết thúc liệu trình. M. A. được chẩn đoán u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một khối u não ác tính “cấp độ cao”. Khối u này ở vị trí nguy hiểm nên không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật. Do đó, xạ trị là phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện tại được các chuyên gia chỉ định. Là bác sĩ (BS) công tác ở miền Trung, chị M. S. quyết định mang con vào Huế sau khi được chẩn đoán bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Thời điểm mới vào, M. A. nằm ở Khoa Hồi sức tích cực Trung tâm Nhi trong tình trạng tri giác lơ mơ, đau đầu, nôn mửa, liệt nửa người bên phải. Sau gần 2 tháng xạ trị, tinh thần bé tỉnh táo, nói chuyện được với gia đình và được tập phục hồi chức năng vận động. Chị S. chia sẻ: “Mình tham vấn thầy cô và tìm hiểu khá kỹ. Biết BVTW Huế có hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất trong cả nước, tập trung nhiều bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong xạ nhi, nhiều BV đều gửi các ca khó vào đây xạ trị nên gia đình lập tức đưa cháu về Huế, tìm cơ hội sống cho con”.

Ê kíp theo dõi ca xạ trị nhi qua hệ thống camera từ bên ngoài

Ê kíp theo dõi ca xạ trị nhi qua hệ thống camera từ bên ngoài

Tiếp sau ca bé A. là bệnh nhi Bùi Thị T. N. chưa tròn 2 tuổi, bé nhỏ nhất trong đợt xạ sáng hôm ấy. Ê kíp buộc phải thực hiện gây mê nhằm đảm bảo tính chuẩn xác trong quá trình xạ. Hoàn tất chiếu tia, khi rời máy cũng là lúc bé choàng tỉnh, mở mắt khóc đòi mẹ. Lúc 10 tháng tuổi, bụng T. N. to lên bất thường, gia đình đưa cháu đi khám ở BV Nhi Trung ương và được chẩn đoán bị sarcoma mô mềm - một loại ung thư phức tạp, có độ ác tính cao. Sau hóa trị, tiến hành phẫu thuật xong, cháu được chuyển vào BVTW Huế xạ trị. Chị Bùi T. Th. mẹ bé cho hay: “Các bác sĩ ở Hà Nội khuyên vào Huế vì ở đây chuyên về xạ trị nhi. Sau một vài lần xạ, sức khỏe cháu tiến triển thấy rõ, ăn uống tốt, giảm nôn, lại được y, bác sĩ chăm sóc chu đáo nên mẹ con em rất yên tâm”.

Khác với gây mê trong phòng mổ, xạ trị gây mê luôn tiềm ẩn nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo dõi gián tiếp qua hệ thống camera từ bên ngoài, các bác sĩ phát hiện một bệnh nhi 6 tuổi bị giảm ô-xy bất ngờ khi xạ trị có gây mê. Tiếng bước chân chạy vào phòng xạ can thiệp, tiếng gọi thúc giục hết sức khẩn trương. Nhìn cảnh ấy, mẹ bé quớ quýt chắp hai tay trước ngực thầm cầu nguyện.

Một lòng vì bệnh nhi

Phần lớn bệnh nhi chuyển vào xạ trị tại BVTW Huế là những ca nặng, phức tạp. Khi xạ, trẻ buộc phải nằm yên tuyệt đối trong vòng 15 - 20 phút, chỉ một cử động nhỏ cũng khiến việc bắn chùm tia bức xạ tới khối u sẽ không chính xác. TS.BS. Ngô Dũng, Trưởng khoa Gây mê hồi sức B cho rằng, gây mê ở trẻ em bị ung thư khi xạ trị là cả một... nghệ thuật. “Ở đây không có công thức chung, phải căn cứ trên từng cơ địa bệnh nhân và tính chất của căn bệnh. Khu hồi tỉnh của Khoa Gây mê ngay cạnh khu xạ trị thuận lợi cho việc xạ nhi có gây mê. Sau xạ, ca bệnh được đưa về khu hồi tỉnh, cho mẹ tiếp xúc trẻ sớm nhằm có sự vỗ về, an ủi”, BS. Ngô Dũng thông tin.

Một liệu trình xạ trị ở trẻ em thường diễn ra 10-30 lần, nếu xạ trị có gây mê thì con số này cũng tương ứng với số lần gây mê. Khâu gây mê là một thách thức với các trung tâm xạ trị. Vì lẽ đó, các bệnh viện trong cả nước khá đắn đo khi xạ nhi, đặc biệt là xạ có gây mê. Tuy đối mặt với nhiều thách thức, song lãnh đạo BVTW Huế quyết tâm triển khai phương pháp này, bởi cần thiết có một địa chỉ chất lượng, uy tín xạ trị cho trẻ em. Hơn 10 năm qua, xạ nhi ở BVTW Huế có những bước tiến đáng kể hướng tới chất lượng tốt nhất, chuẩn nhất, đúng thời gian nhất, trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân khắp cả nước. Ngay các trung tâm lớn điều trị ung thư nhi như: BV Nhi Trung ương, BV Nhi đồng 2, Bệnh viện K Hà Nội, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh… có ca bệnh khó, cần xạ trị, đặc biệt là xạ trị có gây mê, vẫn hội chẩn liên viện trực tuyến, đồng thời giới thiệu trẻ đến BVTW Huế xạ trị.

Theo các chuyên gia, chuyên ngành ung thư nhi hoàn toàn khác ung thư người lớn, đòi hỏi điều trị đa phương thức, bao gồm hóa trị liệu, phẫu thuật, xạ trị, miễn dịch, phục hồi chức năng… Để triển khai xạ nhi, các BS làm xạ trị ở người lớn mất thêm một thời gian đào tạo trong, ngoài nước, đào tạo liên tục về ung thư nhi và xạ trị nhi. Bên cạnh đó, phải thiết lập được ê kíp phối hợp ăn ý trong công việc, bao gồm: BS và điều dưỡng về xạ nhi, kỹ sư vật lý và kỹ thuật viên chuyên về xạ nhi, BS và kỹ thuật viên gây mê hồi sức, phục hồi chức năng cùng các nhóm hỗ trợ khác…

“Với y, bác sĩ thực hiện trong ê kíp xạ nhi, họ là người dám dấn thân, hy sinh vì bệnh nhân”, TS.BS. Phan Cảnh Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa Xạ 2 ví von. “Chúng tôi may mắn được sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp điều trị ung thư nhi trên cả nước, giúp nhau học tập và trao đổi để hiểu sâu hơn trong lĩnh vực này, từ đó có thể xạ nhi đúng theo phác đồ khuyến cáo của quốc gia, quốc tế”, BS. Duy nói thêm.

Dựa trên nền tảng sẵn có, Ban Giám đốc BVTW Huế đầu tư mạnh mẽ về đào tạo nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ phát triển xạ trị nhi, đặc biệt xạ trị gây mê. Máy xạ trị chất lượng thế hệ mới của đơn vị có thể thực hiện các kỹ thuật xạ trị cao cấp, giúp cung cấp liều xạ tối ưu đến mục tiêu điều trị, giảm liều tối đa đến các mô lành bên cạnh khối u, giảm tác dụng phụ của xạ trị (xạ trị điều biến liều IMRT, xạ trị điều biến thể tích cung tròn VMAT, xạ trị có hướng dẫn hình ảnh IGRT…). Chất lượng xạ trị tương đương các nước khu vực như Thái Lan, Singapore. Các phác đồ điều trị được sự đồng thuận, thống nhất trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2023, Khoa Xạ 2 Trung tâm Ung bướu BVTW Huế thực hiện 1.000 lượt gây mê/xạ trị cho trẻ em. Năm 2024, gần 150 bệnh nhi đến từ mọi miền đất nước được xạ trị (trong đó hơn 1.100 lần xạ trị có gây mê cho 50 ca nhi). Theo GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, đơn vị là một trong hai BV hiếm hoi của cả nước triển khai xạ trị gây mê cho bệnh nhi. “Chúng tôi là BV đa khoa hoàn chỉnh có đầy đủ các chuyên khoa, ngoài Trung tâm Ung bướu còn có Khoa Ung thư nhi, các khoa ngoại liên quan đến phẫu thuật nhi… Nhờ vậy, việc điều trị đảm bảo toàn diện từ phẫu thuật, hóa chất, ghép tế bào gốc đến xạ trị”, Giám đốc BVTW Huế khẳng định.

LINH GIANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tien-phong-thuc-hien-xa-tri-cho-benh-nhi-dan-than-va-hy-sinh-149499.html
Zalo