Một dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây giảm lưu lượng máu, dẫn đến tình trạng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng không đủ cho da, gây ngứa, đặc biệt ở cẳng chân và bàn chân.

 Ngứa ở bàn chân, cẳng chân xảy ra phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ngứa ở bàn chân, cẳng chân xảy ra phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Bệnh tiểu đường là tình trạng sức khỏe xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao, thường liên quan đến các vấn đề về thị lực, suy thận và đau tim. Một trong những triệu chứng khiến người bệnh khó chịu là ngứa. Dù tưởng chừng là vấn đề nhỏ, ngứa có thể gây nhiều phiền toái, đặc biệt khi người bệnh phải thức dậy giữa đêm để gãi, làm gián đoạn giấc ngủ.

Người bị tiểu đường thường ngứa ở đâu?

Theo Health Shots, mặc dù bệnh nhân tiểu đường có thể cảm thấy ngứa ở bất cứ đâu, tình trạng này thường xảy ra ở các chi, đặc biệt là cẳng chân và bàn chân.

Ở cẳng chân, tổn thương thần kinh và lưu thông máu kém rất phổ biến và đó là lý do ngứa thường xảy ra ở những vùng này, TS Dheeraj Kapoor, Trưởng khoa Nội tiết tại Bệnh viện Artemis (Ấn Độ) giải thích.

Ngoài ra, lượng đường trong máu cao có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho nấm men phát triển và gây ra nhiễm trùng, theo The Mirror. Nhiễm trùng sau đó có thể khiến bộ phận sinh dục có cảm giác nóng rát, thường ngứa. Bệnh tiểu đường cũng có thể khiến lượng glucose trong nước tiểu cao hơn - một nơi cực kỳ thích hợp khác để nấm men phát triển mạnh.

Nguyên nhân gây ngứa

Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bệnh nhân tiểu đường bị ngứa:

- Da khô: Bệnh tiểu đường có thể gây mất nước. Ở tình trạng này, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc và hấp thụ lượng đường dư thừa. Khi thận không thể theo kịp, lượng đường dư thừa sẽ đi vào nước tiểu và lấy đi chất lỏng từ các mô của cơ thể. Điều này gây mất nước dẫn đến da khô, dễ bị ngứa.

- Bệnh thần kinh: Bệnh thần kinh tiểu đường hoặc tổn thương thần kinh thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Tình trạng này khiến dây thần kinh bị kích hoạt sai và có thể gây ra cảm giác ngứa.

- Nhiễm trùng nấm men: Lượng đường trong máu tăng cao tạo ra môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển. Điều này gây ngứa, đặc biệt là ở những vùng ấm và ẩm của cơ thể.

- Lưu thông máu kém: Bệnh tiểu đường gây giảm lưu lượng máu. Lưu lượng máu giảm này có thể dẫn đến tình trạng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng không đủ cho da, cuối cùng gây ngứa.

- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: Bệnh tiểu đường làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này khiến da dễ bị nhiễm trùng và ngứa hơn.

Cách điều trị ngứa do tiểu đường

Bệnh nân tiểu đường có thể lựa chọn các phương pháp hỗ trợ điều trị khi bị ngứa dưới đây:

Kem dưỡng ẩm tại chỗ: Giữ cho làn da đủ nước, vì cả nước bên trong và bên ngoài đều quan trọng. Uống đủ nước và các chất lỏng giữ nước khác. Điều này có thể thực hiện bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm.
Kem chống nấm: Sản phẩm này sẽ giúp chống lại nhiễm trùng nấm men và ngăn ngừa ngứa, TS Kapoor cho biết.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Duy trì mức glucose ổn định là điều cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường. Trong số nhiều tác dụng, nó có thể giúp ngăn ngừa vấn đề khô da và ngứa.
Thuốc giảm đau thần kinh: Uống thuốc giảm đau thần kinh có thể giúp làm giảm vấn đề này. Các loại thuốc này được bác sĩ kê đơn để điều trị chứng ngứa thần kinh.
Chườm lạnh và tắm yến mạch: Chườm mát và tắm yến mạch giúp làm dịu da bị kích ứng. Điều này có thể giúp giảm ngứa đáng kể. Sử dụng nước ấm để tắm thay vì nước nóng.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mot-dau-hieu-dien-hinh-cua-benh-tieu-duong-post1521617.html
Zalo