Điều không thể và không nên làm với cuộc chiến biên giới 1979
Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 là cách tốt nhất để đẩy lui những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động.
46 năm về trước, 60 vạn quân Trung Quốc đã nổ súng tiến công vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng từ góc độ nghiên cứu, cuộc chiến này vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong nhận thức khoa học. Bài viết này sẽ không trực diện đi sâu vào sự kiện mà đặt nó trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ để qua đó hiểu sâu sắc thêm tính chất và ý nghĩa của cuộc chiến trong tiến trình lịch sử.

Bộ đội ta hành quân lên mặt trận phía Bắc, tháng 2/1979. Ảnh: Nhật Trường/TTXVN.
Chống ngoại xâm - phần quan trọng của lịch sử Việt Nam
Sinh cơ lập địa trên một vùng đất có vị trí địa-chiến lược hết sức đặc biệt. Đây là nơi giao thoa của nhiều luồng văn hóa, là địa bàn tụ cư, lưu chuyển của nhóm tộc người khác nhau. Đặc biệt là ở phía Bắc có người Hán, một tộc người khá lớn về số lượng và sớm tạo dựng được một nền văn minh có ảnh hưởng lớn ra ngoài phạm vi Hán tộc.
Trên vùng đất sau này tổ tiên người Việt lập quốc, các nhà khảo cổ học từng phát hiện ra một hiện tượng không bình thường là ngay từ thời tiền sử và sơ sử, trong các di chỉ khảo cổ, các hiện vật thuộc loại hình vũ khí luôn chiếm tỉ lệ áp đảo. Điều đó chứng tỏ ngay từ buổi bình minh của lịch sử, tổ tiên người Việt đã phải đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ quyền sống của mình. Thực tế lịch sử này còn được phản chiếu trong huyền thoại Thánh Gióng, thiên hùng ca kể về câu chuyện một cậu bé lên ba, chưa biết nói đã phải vươn mình thành tráng sĩ để đánh giặc giữ gìn làng nước. Các nhà sử học đã có một nhận định thống nhất về nguyên nhân dẫn tới sự hình thành nhà nước sớm là do yêu cầu liên kết trong công cuộc trị thủy và tổ chức các cuộc kháng chiến ngoại xâm. Cũng từ đây mà truyền thống đoàn kết toàn dân, hòa đồng làng - nước dần hình thành.
Do đặc điểm này chi phối mà lịch sử Việt Nam đã phải trải qua một thời kỳ không hề thấy trong lịch sử bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đó là ngay sau khi dựng nước chưa được bao lâu thì độc lập bị rơi vào tay ngoại bang để rồi từ sau đó liên tục bị cai trị và đồng hóa ráo riết trong một thời gian kéo dài hơn 10 thế kỉ. Thông thường, một dân tộc mất độc lập trong khoảng thời gian dài như vậy thì sức đề kháng cũng sẽ dần bị triệt tiêu và khả năng giành lại độc lập cũng vì thế mà biến mất theo.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh một điều được coi là phi thường. Sau 1117 năm bị thống trị bởi các triều đại phong kiến phương Bắc với trình độ văn minh rất cao, dân tộc Việt Nam vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa và ý chí đòi quyền sống riêng của mình, đã giành lại được độc lập vào năm 938. Cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài chống lại ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa đã trui rèn nên ý chí kiên cường, bất khuất trong con người Việt Nam và hun đúc sức mạnh của lòng yêu nước và ý thức với nền độc lập dân tộc.
Từ khi giành lại được độc lập chấm dứt thời Bắc thuộc cho đến trước cuộc chiến năm 1979, Việt Nam đã từng phải tiến hành hơn một chục cuộc kháng chiến chống lại các cuộc tiến công từ bên ngoài, trong đó có 7 cuộc là từ phương Bắc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Vị trí của cuộc chiến 1979 trong lịch sử chống ngoại xâm
Đặt sang một bên tính chất “nhạy cảm” để xem xét một cách khách quan tính chất của cuộc chiến năm 1979 thì không thấy khác gì những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mà Việt Nam từng phải chống đỡ để gìn giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong suốt lịch sử dài hàng nghìn năm. Thậm chí cuộc chiến này còn vượt xa các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây về quy mô quân số và phạm vi chiến trường trong cùng một thời điểm. Việt Nam chưa từng phải chống đỡ với một đạo quân lên tới 60 vạn người tấn công trên toàn tuyến biên giới trải dài gần 1.300 km. Với ưu thế áp đảo về hỏa lực và binh lực, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào 26 điểm và chiếm giữ một số thị xã (Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn) và nhiều thị trấn, huyện lỵ.
Cũng chẳng khác các đạo quân xâm lược trước đây, để lấy cớ tấn công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc cũng “kể tội” Việt Nam có âm mưu bành trướng, thậm chí đã “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc” nên cuộc tấn công là “phản kích tự vệ”, là dạy cho Việt Nam một bài học. Trung Quốc cũng đã chọn thời điểm Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn của thời hậu chiến…

Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang. Ảnh: Trần Mạnh Thường.
Tuy nhiên, sau chưa đầy ba tuần lễ, quân Trung Quốc đã chịu những tổn thất hết sức nặng nề và nhất là vào ngày 5/3/1979, khi Việt Nam ban bố lệnh tổng động viên, Trung Quốc vội vàng tuyên bố rút quân. Để thể hiện thiện chí, và cũng là nối tiếp truyền thống chí nhân của những thế hệ trước, Việt Nam đã dừng thực hiện kế hoạch tổng phản công quy mô lớn nhằm truy quét quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Sự tương đồng của quân Trung Quốc trong cuộc chiến 1979 với các đạo quân xâm lược trước đây còn ở tính chất tàn bạo. Tại con đường hành quân qua và ở những điểm tạm thời chiếm đóng, quân Trung Quốc đã gây ra những cuộc tàn sát dã man. Không kể những tổn thất do bom đạn chiến tranh, nhiều dân thường (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) đã bị thảm sát từ khi quân Trung Quốc đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam đến khi rút chạy.
Dù thời gian cuộc chiến 1979 chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử. Nó nhắc nhở Việt Nam bài học cảnh giác. Cuộc chiến đã đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách, làm dày thêm truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.
Bắc cầu hữu nghị vượt qua hố sâu ngăn cách
Trong gần nửa thế kỷ qua cả Trung Quốc và Việt Nam dường như không muốn nhắc đến cuộc chiến này. Về phía Trung Quốc, đây là điều dễ hiểu.
Về phía Việt Nam, việc hạn chế nhắc đến cuộc chiến này (trong các bộ sử, sách giáo khoa và những ngày kỷ niệm…) có thể hiểu là Việt Nam tránh gây căng thẳng với Trung Quốc, bởi các vấn đề lịch sử đôi khi cũng tạo ra những mâu thuẫn với những nước đã từng có xung đột trong quá khứ. Cũng có thể hiểu đây là một thể hiện thiện chí sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991.
Tuy nhiên, 46 năm cũng là một thời gian đủ dài để cả Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Trước hết, như đã nói ở trên, cho dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc năm 1979 đã gây cho Việt Nam những tổn thất nặng nề rõ ràng mang tính chất của một cuộc tiến công xâm lược. Với ý nghĩa đó, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, các sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác.
Điều mà giới học giả cũng như những người có trách nhiệm chính trị đang tìm lời giải là làm thế nào để xử lý thỏa đáng vấn đề lịch sử hết sức nhạy cảm này. Phương châm “khép lại quá khứ hướng tới tương lai” từng được hiểu là vì tương lai mà đóng lại quá khứ.
Theo tôi, nếu hiểu như vậy là không khoa học và chưa thỏa đáng. Việc “khép lại quá khứ” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như nó đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó. Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 là cách tốt nhất để đẩy lui những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.
Có thể ví cuộc chiến năm 1979 giống như một vết hằn lịch sử, là một hố ngăn cách quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có quan điểm cho rằng nên lấp cái hố ấy đi. Đấy là việc không nên và không thể làm. Nó sẽ sinh ra muôn vàn hệ lụy.
Cách tốt nhất là làm thế nào để cái hố ấy không bị khoét rộng ra, để rồi mỗi bên khi đi trên chiếc cầu hữu nghị bắc qua cái hố ấy vẫn nhìn thấy những bài học đắt giá của lịch sử, để trong tương lai một cái hố tương tự không bị đào thêm nữa.