Điều ít biết về anh trai đại thi hào Nguyễn Du

Nguyễn Khản là anh trai cả của đại thi hào Nguyễn Du. Ông làm đến chức Tể tướng triều vua Lê, chúa Trịnh.

Xuân quận công Nguyễn Nghiễm có 21 người con, trong đó có 12 con trai - Nguyễn Khản là con trai cả (trong ảnh là đền thờ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm).

Xuân quận công Nguyễn Nghiễm có 21 người con, trong đó có 12 con trai - Nguyễn Khản là con trai cả (trong ảnh là đền thờ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm).

Không chỉ là chỗ dựa cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Khản còn có tiếng thi phú tài hoa.

Cha đỗ cao, con cũng đỗ cao

Nguyễn Khản (1734 - 1787) quê ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai trưởng của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm và bà chính thất Đặng Thị Dương - con gái Tri phủ Đặng Sỹ Vinh.

Là anh cả của đại thi hào Nguyễn Du nhưng ngày nay, ít người biết rằng Nguyễn Khản cũng là một kỳ tài thơ phú, mỗi bài thơ ông làm ra đều được ca kỹ, giáo phường đua nhau truyền tụng.

Theo nguồn gia phả và các nguồn sử liệu, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm có 8 bà vợ, 21 người con, trong đó có 12 người con trai. Theo tục lệ ngày xưa, vợ cả do cha mẹ cưới hỏi, thường để làm dâu phụng dưỡng cha mẹ, cai quản gia trang nơi quê quán. Vợ thứ hai do bà vợ cả cưới cho chồng để làm bạn cho mình, bà cả hay ghen nên thường cưới em gái mình cho chồng.

Bà Đặng Thị Thuyết sinh ra Nguyễn Điều (1745 - 1786) là em bà cả Đặng Thị Dương. Hai bà đầu thường ở nơi quê nhà làng Tiên Điền để coi sóc gia trang, thờ tự.

Bà Thuyết chẳng may mất sớm sau khi sinh, vì thế Nguyễn Điều được bà dì nuôi dưỡng (người Nghệ Tĩnh gọi chị gái của mẹ là dì). Người vợ thứ 3 của Xuân quận công là Trần Thị Tần, quê làng Hoa Thiều, Bắc Ninh - dòng dõi Tiến sĩ Trần Phi Chiêu, chính là mẹ của đại thi hào Nguyễn Du.

Trong cuộc đời, Nguyễn Khản đổi tên đến ba lần. Nguyên tên của ông là Khản. Năm 1760, tự đổi ra Hân. Năm 1767, chúa Tĩnh Vương cho tên Lệ. Năm 1778 lại tự trở lại tên Khản.

Xuất thân từ một gia đình đại quý tộc, có cha đậu Tiến sĩ, làm quan lớn trong triều đình Lê - Trịnh. Nguyễn Khản nổi tiếng thông minh, tài học hơn người, 14 tuổi đã đậu tam trường, 20 tuổi đậu tứ trường, đỗ thi Hương, ứng tuyển hợp cách được xếp đỗ đầu bảng. Nhân có lệ bổ dụng con các quan viên nên Nguyễn Khản được nhận chức Viên ngoại bộ Lại, sau đó vì có tiếng học giỏi nên được sung chức Thị giảng ở phủ chúa Trịnh, dạy học cho Thế tử Trịnh Sâm.

Năm Canh Thìn (1760), Nguyễn Khản tiếp tục ứng thí, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khi đó ông vừa 27 tuổi. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1760 cho biết, tên của Nguyễn Khản đứng thứ 2 trong số 5 Tiến sĩ của khoa thi này. Bia Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760) là tấm bia duy nhất được dựng ngay sau khi thi Hội.

Theo nội dung bia cho biết thi mùa Xuân tháng 2 thi Hội, sang tháng 3 thi Đình, tuy nhiên phần cuối văn bia lại khắc dòng chữ: “Bia dựng tháng 2 mùa Xuân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760)”. Như vậy tấm bia này được dựng ngay sau khi thi Hội tổ chức xong chứ không chờ đến khi thi Đình kết thúc mới dựng như các khoa thi khác.

Phạm Đình Hổ khi viết về nhà họ Nguyễn ở Tiên Điền trong “Vũ Trung tùy bút” có ghi rằng: “Khi ông Khản đỗ, được tứ yến ở Lễ bộ đường, thì quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm đương làm quan Lễ Thị, tự tay gài bông hoa mũ cho con. Thật là một sự hiếm có, đương thời truyền tụng”.

Gia phả họ Nguyễn chép: “Buổi ấy trong hồ trước nhà riêng của ông có một chồi Sen nở ra hai hoa”. Trịnh Vương và các quan trong triều đều làm thơ chúc mừng. Một viên quan người huyện Thanh Trì đã tặng bài thơ Tứ tuyệt: Phụ đăng khoa Thế tử đăng khoa/Thế chưởng quân hành Nguyễn tướng gia/ Bất tín khả quan tri thưởng nguyệt/Đình đình tranh xuất tịnh đầu hoa (Cha đậu cao con cũng đậu cao/ Hai triều giữ chức trọng yếu/Chỉ có nhà tướng công họ Nguyễn/Không tin thì cứ xem điềm tốt ở mặt hồ/Rành rành hiện ra một chồi nở hai hoa).

 Hai cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám.

Hai cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám.

Người bạn tri kỷ của chúa Trịnh

Sau khi chúa Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên nối ngôi, vì Nguyễn Khản có công giảng dạy chúa lúc còn là Thế tử nên ông được thăng lên chức Đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Năm Mậu Tý (1768) lại có chỉ giao ông kiêm luôn chức Nghiêm Hữu Đội. Với cương vị đó Nguyễn Khản là một vị quan đồng thời kiêm chức cả văn lẫn võ trong phủ chúa nên các quan trong triều đình đều hết sức trọng vọng.

Nhân lúc chúa Trịnh du ngoạn ở Ninh Bình, ông được sai trông coi việc sửa sang lại cảnh trí ở núi Dục Thúy. Nguyễn Khản đã có dịp khảo sát về địa hình ở đây và đã cho đắp đê ngăn mặn, chống lụt bão, mở rộng đất canh tác cho trấn Sơn Nam Hạ. Con đê Vân Hải (Ninh Bình) ngày nay đã được Nguyễn Khản cho đắp vào năm Đinh Dậu (1777).

Cũng trong thời gian này xứ Nghệ An hạn hán, lũ lụt, mất mùa xảy ra thường xuyên, dân chết đói chồng chất. Trước tình thế đó, Nguyễn Khản đã làm biểu xin triều đình thực hiện 4 điều cơ bản nhằm cứu đói, gồm: Điều quân ở Nghệ An sang Thanh Hóa khai khẩn; phóng thích các thuyền bát vận ở các cửa biển; mở đường Quy Hợp (Hương Khê) để dân thông thương với Trấn Ninh (Lào); cho phép dân buôn Trung Hoa bán gạo cho Nghệ An. Những việc ông trình bày rất chính đáng nên được triều đình cho thực hiện ngay.

Năm 1778, Nguyễn Khản được gia thăng Hình bộ Tả thị lang và làm Hiệp trấn xứ Sơn Tây - Hưng Hóa kiêm chức thống lĩnh các đạo quân dẹp loạn ở ngoài vùng biên ải. Với những việc làm đem đến hiệu quả lớn cho chính sự, Nguyển Khản ngày càng được chúa Trịnh tin cậy. Ngoài quan hệ quân – thần giữa Trịnh Sâm và Nguyễn Khản còn có mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Tương truyền, dinh thất của Nguyễn Khản ở gần hồ Kim Âu và xóm Bích Câu. Trong nhà thiết kế rất tinh tế, mỗi bức tranh, tấm khảm là những ghi chép về sự tích truyền kỳ, điển cố văn chương. Dinh thất có hoa viên được trồng các loại hoa thơm cỏ lạ, có cung thưởng nguyệt, có lầu nghe nhạc, thư viện đọc sách.

Chúa Trịnh Sâm thường tự cất bước bộ hành tới đây cùng chủ nhân thưởng ngoạn bình phẩm cảnh trí, tọa đàm thơ ca. Trịnh Sâm đã tự tay đề ở ngôi nhà riêng Nguyễn Khản 3 chữ “Tâm phúc đường” (ngôi nhà thân thiết như ruột thịt).

Nguyễn Khản được chúa ban ân theo ngự giá đi săn, đi câu, tắm sông thưởng nguyệt, đêm hội Long Trì chỉ riêng Nguyễn Khản là người được ngồi cùng mâm với chúa. Tính tính Nguyễn Khản được sử sách mô tả là rất hào hoa phong nhã, sành sỏi.

Ông lại thích hát xướng, thạo âm luật, trong nhà không mấy khi dứt tiếng sênh ca; thường dựa vào nhạc phủ để đặt ra các điệu hát mới, hễ làm được bài nào là các nghệ nhân ngoài giáo phường lại tranh nhau truyền tụng. Vì vậy mà dân gian có câu: “Án phách tàn truyền lại bộ ca” (gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan Lại bộ hành Tham tụng).

Địa vị đang vững vàng, là bạn thân chúa Trịnh Sâm, và thầy dạy của Thế tử Trịnh Tông. Bỗng dưng thời vận gặp lúc đen đủi. Chúa Trịnh Sâm mê bà Tuyên phi Đặng Thị Huệ, sinh con trai là Trịnh Cán (1777). Dựa vào thế viên tả tướng Hoàng Đình Bảo, Đặng Thị Huệ khuyên chúa bỏ Trịnh Tông lập Trịnh Cán lên làm Thế tử năm 1780.

Nguyễn Khản và Nguyễn Khắc Tuân có ý bênh Trịnh Tông. Nguyễn Khản ra trấn Sơn Tây, Nguyễn Khắc Tuân trấn Kinh Bắc đều có ý dự bị binh lực để đối phó Hoàng Đình Bảo khi chúa Trịnh Sâm mất. Nhiều người cho rằng âm mưu bại lộ vì Ngô Thời Nhậm cho nên Nguyễn Khản và Nguyễn Khắc Tuân đều bị giam. Lê Quý Đôn tra xét vụ án, các can phạm trong vụ án đều bị giết, chỉ có Nguyễn Khản, vì chúa nghĩ tình cũ nên tha cho.

Năm 1782 Trịnh Sâm mất, quân lính nổi dậy rước Trịnh Khải lập lên ngôi chúa thay Trịnh Cán, lấy hiệu Đoan Nam vương. Trịnh Khải liền cho vời Nguyễn Khản về triều giao cho làm Lại bộ Thượng thư, tước Toản quận công. Đến năm 1783, Nguyễn Khản được phong Thiếu bảo, cùng năm đó ông được thăng Nhập thị Tham tụng (Tể tướng).

 Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760) - Nguyễn Khản đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760) - Nguyễn Khản đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Vị Tể tướng có tài văn chương

Sau 2 năm, Trịnh Vương lên ngôi quân lính cậy thế có công phù lập Trịnh Vương nên rất kiêu hãnh kéo nhau vào phủ chúa đòi phong chức. Nguyễn Khản cùng dự mưu xin chúa bắt chém 7 tên cầm đầu nên bị kiêu binh kéo đến đốt phá nhà riêng. Nguyễn Khản cùng em là Nguyễn Điều trốn lên Sơn Tây gửi mật thư cho Trịnh Vương xin hội binh các trấn để trừ họa kiêu binh, tuy nhiên việc bị tiết lộ nên ông cùng Nguyễn Điều xin nghỉ trở về quê nhà.

Trịnh Vương thường viết thư thăm hỏi và ban thuốc men tiền bạc, cho lấy thuế 2 chiếc tàu buôn của người Bắc quốc để chi dùng. Đó là những đặc ân chúa Trịnh dành cho Nguyễn Khản. Đến năm 1787 quân Tây Sơn tiến ra Bắc, Nguyễn Khản trở về kinh đô tập hợp triều thần bàn chuyện chống lại quân Tây Sơn, mọi việc đều được Trịnh Vương nghe theo nhưng việc chưa thành thì ông bị cảm bệnh và mất tại Thăng Long.

Triều đình sai quân đến làm tế lễ trước linh cữu và ban cho tên Thụy là Hoành Mẫn, hiệu Thuật Hiên tiên sinh, phong làm Thượng Đẳng phúc thần. Ông là người đầu tiên được làm trấn thủ và được phong công thần. Bốn năm sau thi hài ông được cải táng về quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh.

Sinh thời, Nguyễn Khản vốn đã nổi tiếng thông minh, có tài thi phú nên trong dân gian còn truyền tụng nhiều giai thoại về ông. Trong đó, có chuyện khi làm quan, ông thường xin phép nghỉ ở nhà, chúa Trịnh có đưa bài thơ nôm rằng: “Đã phạt năm đồng bỏ lỗi chầu/ Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu/ Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy/ Hãy còn phạt nữa chữa thôi đâu”.

 Cuốn sách 'Thuật Hiên công Nguyễn Khản - cuộc đời và thơ văn' trích tuyển, giới thiệu các bài phú, thơ Hán Nôm của Tể tướng Nguyễn Khản.

Cuốn sách 'Thuật Hiên công Nguyễn Khản - cuộc đời và thơ văn' trích tuyển, giới thiệu các bài phú, thơ Hán Nôm của Tể tướng Nguyễn Khản.

Vì khi ấy, buổi ngoại chầu và buổi ngự câu, đang lúc nghỉ, ông không tới hầu ngự được, nên đều bị phạt năm đồng. Nguyễn Khản có họa lại rằng: “Váng vất cho nên phải cáo chầu/ Phiên chầu còn cáo, lọ phiên câu/ Trông ân phạt đến là thương đến/ Ấy của nhà vua chớ của đâu”. Chúa Trịnh Sâm xem xong lấy làm khen, lại sai người mang quà đến để tặng Nguyễn Khản.

Một ngày kia, trong nhà Nguyễn Khản bày cuộc yến tiệc nhưng thiếu chè uống. Chợt quan Trung sứ có việc ra nhà ông, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: “Thần Khản khuất trà nhất lạng”. Quan Trung sứ đem về dâng, chúa Trịnh ban ngay cho một hòm chè.

Nguyễn Khản thông minh, ứng đối tài, thi phú cũng thuộc hàng tài tử. Nhân đọc sử nhà Nam Tống, ông có ngay bài “Độc Nam Tống sử”: Nhưng Phàn thành ngoại vút roi song/ Vâng mệnh đi tuần thú Bắc phương./ Cấy cối bụi lùm nơi nghịch đảng/ Ba Mân, bốn Quảng tỏ lòng thiên./ Trên lầu mây nổi sầu mưa xuống/ Dưới nước trong đình lệ đẩm tuôn./ Biện luận văn chương còn lại sức/ Chỉ dư chính khí bạc trời xanh.

Hay khi qua núi Dục Thúy, ông để lại bài thơ, rằng: Non nước danh ta chưa nhận được/ Ngày về mặc áo cũ lông cừu/ Đường mây xanh đó còn năm khác/ Thắng cảnh trêu người buổi lãng du/ Áo khách mặc tùy gầy vóc dáng/ Ngâm hoài theo nước chảy luân lưu/ Xem ta nước biếc non xanh đó/ Rồng, báo tung bay buổi biến thu.

Bởi thời thế biến loạn nên các trước tác của Nguyễn Khản hầu hết bị thất lạc. Tuy nhiên qua những gì còn lại và lời truyền tụng trong dân gian, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định Nguyễn Khản xứng đáng là bậc thầy về thơ quốc âm. Ông cũng là một trong những người đã dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm.

Trong số những người con thành đạt của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản là người có tài năng trên nhiều lĩnh vực và đã có ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, dòng họ. Chính ông là chỗ dựa cho một đại gia đình quý tộc, cũng người đã có công nuôi dưỡng và dìu dắt các em khôn lớn trưởng thành, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-it-biet-ve-anh-trai-dai-thi-hao-nguyen-du-post718464.html
Zalo