Lễ cúng rằm tháng Giêng - Nét đẹp văn hóa trong tâm thức người Việt

Trong văn hóa người Việt, rằm tháng Giêng là ngày lễ trọng đại, không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo với ước nguyện mong cầu bình an mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng nguyên hoặc Tết Nguyên tiêu, là ngày rằm đầu tiên của năm mới và được coi là ngày lễ quan trọng của người Việt, đặc biệt là người theo Phật giáo. Bởi thế, từ xưa ông bà ta đã có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Cứ vào ngày này, người ta lại sắp lễ đến chùa để cúng dường, cầu mong sự may mắn, bình an. Tại Việt Nam, ngày rằm tháng Giêng không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc Phật giáo mà còn có sự giao thoa với Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa. Vì thế, vào ngày rằm tháng Giêng, ngoài việc đi lễ chùa cầu an, người dân thường chuẩn bị mâm lễ để cúng gia tiên, hướng về gia đình, nguồn cội.

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là “Tết muộn” bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Rằm tháng Giêng không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo với ước nguyện mong cầu bình an mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội (Ảnh minh họa: Internet)

Rằm tháng Giêng không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo với ước nguyện mong cầu bình an mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội (Ảnh minh họa: Internet)

Trong dân gian cũng có nhiều giải thích về cội nguồn của ngày này. Theo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ngày rằm tháng Giêng còn được gọi là ngày Đại hội Thánh Tăng. Trong ngày này, Đức Phật đã kêu gọi các đệ tử nhập thế để phụng sự nhân sinh vì mục đích mang lại phúc lợi số đông và an lạc nhân loại. Do vậy trong ngày này, cộng đồng Phật giáo sẽ hội họp lại để nhắc nhở nhau và cam kết làm theo lời Phật, phụng sự nhân sinh và sống tốt đời đẹp đạo.

Nhiều tài liệu khác lại viết phong tục này bắt nguồn từ Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình giao thoa văn hóa, Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực đã tiếp nhận và biến đổi Tết Nguyên tiêu theo văn hóa từng đất nước. Bên cạnh đó, còn có tích kể lại rằng Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Sau ngày rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch (“Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm).

Theo phong tục truyền thống, vào ngày rằm tháng Giêng, bên cạnh việc đi lễ chùa và chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên, người Việt còn treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng rằm tháng Giêng. Theo dòng chảy thời gian, các nghi lễ cũng hạn chế đi nhiều nhưng phong tục vào đêm rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn của người Việt.

T.T

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/le-cung-ram-thang-gieng-net-dep-van-hoa-trong-tam-thuc-nguoi-viet-724062.html
Zalo