Điều hành tỷ giá đảm bảo phù hợp với các cân đối lớn
Tuần qua, đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Lãi suất tham chiếu của ngân hàng trung ương này được điều chỉnh về phạm vi 4,25-4,5%. Đây là lần thứ ba liên tiếp Fed giảm lãi suất, với hai lần trước mức giảm lần lượt là 0,5 điểm phần trăm và 0,25 điểm phần trăm.
Trong thông báo về kết quả cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định các chính sách tiền tệ trực thuộc Fed) nhận định: “Hoạt động kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát chỉ tăng vừa phải”. Fed cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các số liệu kinh tế tiếp theo để đưa ra các quyết định phù hợp về lãi suất.
Một điểm đáng chú ý là, trái ngược với dự báo rằng đồng USD sẽ giảm sau khi Fed điều chỉnh giảm lãi suất, thì chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), lại tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 2 năm qua. Tính đến ngày 20/12, chỉ số DXY đã vượt qua mức 108 điểm.
Nguyên nhân của sự tăng vọt nói trên được lý giải là do Chủ tịch Fed Jerome Powell thông báo rằng việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025 sẽ diễn ra chậm hơn, chỉ giảm thêm 1-2 lần, thay vì 3-4 lần như ước đoán trước đó. Triển vọng tốc độ cắt giảm lãi suất chậm lại giúp đồng USD duy trì sức mạnh.
Biến động của đồng USD đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá trong nước. Trong phiên cuối tuần 20/12, tỷ giá trung tâm đạt mức 24.324 đồng, tăng 52 đồng so với đầu tuần. Tỷ giá liên ngân hàng kết thúc ngày 20/12 ở mức 25.458 đồng/USD, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên gần 5%.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã trải qua nhiều biến động. Trong nửa đầu năm, và đặc biệt là từ tháng 10 đến nay, thị trường chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố. Các diễn biến kinh tế và chính trị quốc tế khó lường, cộng với việc đồng USD tăng mạnh, đã tạo ra những tác động đáng kể. Thêm vào đó, chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức âm, khiến tỷ giá có thời điểm tăng đến 4,9% so với đầu năm.
Trước tình hình đó, NHNN đã điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giảm bớt áp lực lên tỷ giá. NHNN cũng đã công bố phương án bán ngoại tệ cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản thị trường trong những giai đoạn căng thẳng. Nhờ vậy, thị trường ngoại tệ vẫn ổn định, thanh khoản được duy trì và các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ. Mức mất giá của VND cũng ở mức hợp lý, phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Một chuyên gia cho rằng, sự gia tăng của tỷ giá VND/USD chỉ là phản ứng tạm thời sau quyết định của Fed và sẽ dần ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ là yếu tố khó đoán định trong năm 2025 và NHNN cần chuẩn bị sẵn các kịch bản để ổn định tỷ giá trong thời gian tới.
Dự báo về tỷ giá USD/VND trong thời gian tới, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới. Theo đó, tỷ giá USD/VND có thể giảm xuống mức 25.250 đồng vào cuối năm 2024 và đạt khoảng 25.450 đồng vào quý II năm sau.
Để đối phó với các yếu tố tác động từ bên ngoài, các chuyên gia khuyến nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng và linh hoạt. Điều này sẽ giúp NHNN duy trì sự cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và lãi suất.
Phía NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá sao cho phù hợp với các cân đối vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, ổn định hệ thống ngân hàng.