Điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả
Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương; sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân, ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2024.
Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách
Năm 2024, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, quản lý chi NSNN chặt chẽ trong phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ; thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được khoảng 05 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội dành số tiền này cho nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/204 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia...
Tổng thu NSNN năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với dự toán, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023 (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng). Thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng chi đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo.
Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%.
Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Cả 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng Ổn định...
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025
Dự toán thu NSNN năm 2025 là 1,97 triệu tỷ đồng; trong đó: thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%. Dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%. Bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ sẽ tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài chính – NSNN, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo bước đột phá phát triển kinh tế đất nước.
Quyết liệt triển khai công tác quản lý thu, chi NSNN.
Tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, tạo điều kiện tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, tăng cường quản lý giá cả; phát triển đồng bộ, mạnh mẽ các thị trường tài chính, bảo hiểm, nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy, sớm đưa bộ máy mới đi vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm trên 2.650 đầu mối, tương đương 31,4%, không duy trì mô hình tổng cục; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Năm 2024, nước ta thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 191 nghìn tỷ đồng mà vẫn vượt thu hơn 300 nghìn tỷ đồng. 3 năm gần đây, chúng ta đều vượt thu. Năm 2022, vượt thu hơn 400 nghìn tỷ đồng, năm 2023 vượt thu hơn 100 nghìn tỷ. Như vậy, chính sách có tác dụng, do đó ngành tài chính cần mạnh dạn hơn trong việc đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tài chính cần tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính trong năm 2025: Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tích cực tăng thu, tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án lớn có khả năng xoay chuyển tình thế như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối quốc tế, sân bay, các dự án về năng lượng xanh, sạch...
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách để thu đủ chi, đảm bảo chi cho các nhiệm vụ quan trọng như an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%.
Đoàn kết, thống nhất nội bộ nhất là trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy; phải có chính sách khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong hoạt động, sắp xếp bộ máy trong giai đoạn quyết định này. Đồng thời, thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa hoạt động tài chính.
“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng ngành tài chính sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy các kết quả đạt được, luôn đổi mới sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước” – Thủ tướng nói.