Điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày dừng áp thuế của Mỹ và Trung Quốc
Các chính sách thuế quyết liệt của ông Trump đã khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Nhưng cách tiếp cận này cũng gây ra tổn thất cho doanh nghiệp Mỹ.

Thuế quan do Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc có thời điểm lên tới 145% và đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại toàn cầu. Ảnh: Reuters.
“Việc Tổng thống Trump áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, rồi nhanh chóng rút lại, cho thấy sức mạnh của các chính sách thương mại Mỹ, nhưng cũng bộc lộ giới hạn của cách tiếp cận gây sức ép của ông”, các cây bút của New York Times nhận định.
Thuế quan do Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc có thời điểm lên tới 145% và đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang nhập khẩu từ các nước như Việt Nam và Mexico. New York Times ghi nhận không ít nhà máy Trung Quốc đóng cửa, một số doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản.
Sức ép này đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp Mỹ, khiến chính quyền ông Trump buộc phải nhanh chóng tìm cách giảm thuế.
Phơi bày hạn chế của chính sách thuế "gây sức ép"
Các cuộc đàm phán tại Geneva cuối tuần qua kết thúc với thỏa thuận giảm thuế lên đến 115% mỗi bên: Mỹ giảm thuế từ 145% xuống 30%, Trung Quốc giảm từ 125% xuống 10%. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán để ổn định mối quan hệ.
“Dù vậy, thỏa thuận này không mang lại những nhượng bộ đáng kể nào từ phía Trung Quốc, ngoài cam kết tiếp tục đàm phán. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chiến thuật gây sức ép mà ông Trump theo đuổi”, New York Times nhận định.
"Thỏa thuận Geneva cho thấy Mỹ gần như đã phải nhượng bộ hoàn toàn, chứng minh sự cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", New York Times dẫn lời chuyên gia Scott Kennedy từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.
Dù vậy, thỏa thuận này không mang lại những nhượng bộ đáng kể nào từ phía Trung Quốc, ngoài cam kết tiếp tục đàm phán. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của "chiến thuật gây sức ép" mà ông Trump theo đuổi
The New York Times
Ông Trump và các cố vấn cho rằng Mỹ sở hữu "quân bài" mạnh trong đàm phán thương mại, nhưng kết quả cho thấy những hạn chế của chiến lược này.
Việc sử dụng thuế tối đa, thuế quan "ăn miếng trả miếng" nhằm tạo ra khủng hoảng thương mại để đạt được nhượng bộ nhanh chóng đã không mang lại kết quả như mong đợi, nhất là khi chính quyền ông Trump đối đầu với một đối tác kinh tế ngang tầm và có sức chống chịu cao hơn.
Cuối cùng, ông Trump đã chọn cách "xuống thang", coi việc Trung Quốc đồng ý đàm phán là một chiến thắng.
Washington "đổi giọng"
Các quan chức Mỹ thừa nhận không muốn theo đuổi chính sách thuế quan dẫn đến việc tách rời hoàn toàn nền kinh tế nước này khỏi Trung Quốc.
"Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng chúng tôi có lợi ích chung", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva. "Sự đồng thuận từ cả hai phái đoàn là không bên nào muốn tách rời”, ông nhấn mạnh.
Phát ngôn của ông đã thay đổi đáng kể so với những tuyên bố trước đó. Vị quan chức Mỹ từng khẳng định rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn cho Trung Quốc do nước này phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.
"Nền kinh tế của họ là nền kinh tế mất cân bằng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Và tôi có thể khẳng định rằng sự leo thang này là một thất bại đối với họ", ông Bessent từng tuyên bố trên Fox Business Network hồi tháng trước.

Các quan chức Mỹ thừa nhận không muốn theo đuổi chính sách thuế quan dẫn đến việc tách rời hoàn toàn nền kinh tế nước này khỏi Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Thực tế cho thấy thuế quan không chỉ gây tổn thương cho Trung Quốc mà còn tạo ra những xáo trộn không nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ. Các công ty Mỹ đã bắt đầu cảnh báo về những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Nguyên nhân nằm ở giá cả tăng cao và nguồn cung sản phẩm hạn chế hơn.
Các nhà sản xuất Mỹ đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và nam châm. Dữ liệu cho thấy hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 21% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất khẩu của nước này sang các nước Đông Nam Á lại tăng 21%.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm các kênh khác để duy trì "cỗ máy" xuất khẩu của mình.
“90 ngày là khoảng thời gian ngắn”
Quyết định tạm thời hạ thuế quan giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, nhưng không làm giảm bớt tình trạng bất ổn đang đè nặng lên các công ty Mỹ trong dài hạn. Hai chính phủ có thời hạn đến giữa tháng 8 để đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại.
Sáng 12/5, Tổng thống Trump đã tuyên bố nếu không đạt được thỏa thuận trong thời gian này, thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ lại tăng lên "cao hơn đáng kể", dù không đến mức 145%.
"Ở mức 145%, hai nền kinh tế sẽ thực sự tách rời, vì sẽ chẳng ai mua hàng hóa", ông nói thêm.
Các doanh nghiệp bán lẻ và nhập khẩu thở phào khi hoạt động thương mại giữa hai nước có thể tiếp tục, nhưng họ hy vọng giai đoạn tạm hoãn sẽ kéo dài hơn 90 ngày. Ông Matthew Shay, Giám đốc điều hành Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF), tổ chức đại diện cho các nhà bán lẻ lớn và nhỏ tại Mỹ, nhận định động thái này mang lại "sự cứu trợ ngắn hạn" đối với những doanh nghiệp đang trong quá trình đặt hàng cho mùa mua sắm sắp tới.
3 tháng là khoảng thời gian cực kỳ ngắn để giải quyết rất nhiều vấn đề thương mại gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc
Bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á
Tuy nhiên, theo ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, mức thuế 30% áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn "rất đáng kể". Tâm lý người tiêu dùng Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi nguy cơ thuế quan leo thang trở lại.
Ông cũng lưu ý rằng 90 ngày là khoảng thời gian "tương đối ngắn" để các công ty có thể khởi động lại những lô hàng từ Trung Quốc bị đình trệ. Những doanh nghiệp này cần nhiều thời gian để đặt tàu và vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Các chuyên gia thương mại cũng cảnh báo rằng 90 ngày là khoảng thời gian "rất ngắn" để đạt được những tiến triển lớn trong danh sách dài các vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, điển hình là tình trạng thặng dư thương mại ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nhận định: “3 tháng là khoảng thời gian cực kỳ ngắn để giải quyết rất nhiều vấn đề thương mại gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc". Bà nói thêm rằng các cuộc đàm phán tương tự thường mất hơn một năm.
Khôi phục thỏa thuận năm 2020?
Các quan chức cho biết hai bên đã đồng ý đàm phán thường xuyên, một số cuộc đàm phán có thể tập trung vào việc Trung Quốc mua các sản phẩm của Mỹ để giúp cân bằng thương mại.
Tuy nhiên, giới phân tích không rõ điều gì sẽ tạo ra sự khác biệt giữa nỗ lực lần này với những cuộc đàm phán trước đây. Các quan chức của chính quyền ông Trump từng chỉ trích những cuộc đối thoại cấp thấp, định kỳ giữa Trung Quốc và chính quyền ông Joe Biden là "lãng phí thời gian".
Trong thỏa thuận thương mại được ký kết năm 2020 hướng tới mục tiêu cân bằng thương mại, các quan chức Trung Quốc cũng đã đồng ý “mua đáng kể hàng hóa Mỹ”. Nhưng phía Bắc Kinh đã không thực hiện đầy đủ cam kết này.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC hôm 12/5, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết thỏa thuận năm 2020 có thể đóng vai trò là "điểm khởi đầu" cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Ông cũng đổ lỗi cho chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã không thực thi thỏa thuận.
Chính quyền ông Trump đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc hạ thấp các rào cản thương mại "phi thuế quan" và mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ. Giới quan sát nhận định, những chính sách thuế quan mới có thể dẫn đến việc khôi phục thỏa thuận thương mại cũ năm 2020.
Một số nhà phân tích khác cho rằng chính quyền ông Trump rất có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc ngăn chặn dòng chảy fentanyl vào Mỹ, đồng thời cố gắng đạt được tiến triển trong những vấn đề thương mại khác.