Vén màn mạng lưới bí ẩn đưa dầu Iran sang Trung Quốc, Mỹ bất ngờ ra tay
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên hơn 20 công ty trong một mạng lưới mà họ cho rằng, từ lâu đã vận chuyển dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc, Reuters đưa tin hôm thứ Ba 13/5.

Ảnh minh họa
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà đàm phán Iran và Mỹ kết thúc vòng đàm phán hạt nhân lần thứ tư.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, mạng lưới này đã giúp xe vận chuyển lượng dầu trị giá hàng tỷ USD đến Trung Quốc, thay cho Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Iran và công ty bình phong của cơ quan này – Sepehr Energy – vốn đã bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt từ năm 2023, Reuters đưa tin mà không dẫn nguồn tin cụ thể nào.
Trong số các công ty bị trừng phạt có CCIC Singapore PTE, bị cáo buộc đã hỗ trợ công ty Sepehr che giấu nguồn gốc dầu của Iran, và thực hiện các bước kiểm tra trước khi giao hàng – một yêu cầu bắt buộc trước khi dầu được chuyển sang Trung Quốc. Ngoài ra, Công ty TNHH Giám định và Chứng nhận Huangdao cũng bị trừng phạt vì đã hỗ trợ Sepehr “tuồn” các lô dầu xuống những tàu – mà các tàu này vốn đã nằm trong danh sách trừng phạt từ trước.
Công ty TNHH Đại lý Vận tải Quốc tế Qingdao Linkrich cũng bị đưa vào danh sách, vì đã hỗ trợ các tàu do Sepehr Energy thuê có thể cập cảng và dỡ hàng tại cảng Thanh Đảo.
Theo chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoạt động bán dầu này đã giúp tài trợ cho việc phát triển tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Iran, phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi nhắm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, Hải quân Mỹ và Israel.
“Mỹ sẽ tiếp tục nhắm vào nguồn thu chính này, chừng nào chính quyền Iran còn tiếp tục hậu thuẫn cho các hoạt động khủng bố và phổ biến vũ khí chết người,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố trong thông cáo báo chí.
Phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và phái đoàn Iran tại New York hiện chưa phản hồi các yêu cầu bình luận.
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra hôm thứ Ba 13/5 là động thái mới nhất kể từ khi Tổng thống Trump khôi phục chiến dịch “gây áp lực tối đa” đối với Iran vào tháng Hai. Trước đó, chính quyền Trump cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc – còn gọi là các nhà máy “ấm trà” – vì đã xử lý dầu thô từ Iran.
Lệnh trừng phạt này sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ của các thực thể bị liệt vào danh sách đen, và cấm công dân Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào với họ.
Gia tăng áp lực lên các ngân hàng Trung Quốc
Dù các biện pháp trừng phạt gần đây đã tạo thêm sức ép đối với cả Iran và Trung Quốc, song các nhà phân tích nhận định rằng, để thực sự tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, Mỹ cần nhắm tới những mục tiêu lớn hơn – chẳng hạn như các ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Trong một động thái có thể là bước leo thang tiếp theo, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt hôm thứ Ba 23/5 đối với mạng lưới các công ty buôn lậu dầu này, theo thẩm quyền chống khủng bố.
Jeremy Paner, đối tác tại công ty luật Hughes Hubbard & Reed và là cựu điều tra viên của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết việc sử dụng thẩm quyền chống khủng bố cho phép OFAC linh hoạt hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt – đặc biệt là những biện pháp thường dành cho các ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Ông Paner nhận định: “Tôi tin rằng hành động ngày hôm nay chủ yếu là đòn bẩy ngoại giao, gây sức ép lên Trung Quốc để thuyết phục Iran chấp nhận một thỏa thuận trong đàm phán hạt nhân.”
Dù cả Tehran và Washington đều nhấn mạnh rằng họ ưu tiên giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc tranh chấp hạt nhân kéo dài nhiều thập kỷ, nhưng hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về một số vấn đề then chốt – đặc biệt là về hoạt động làm giàu uranium tại Iran.
Thông tin trên được đăng tải trong bối cảnh đàm phán Mỹ - Trung về thuế quan đang đạt được nhưng tiến triển nhất định.