Châu Âu bị động trước bước ngoặt của ông Trump về Ukraine

Trong khoảng 30 giờ, Châu Âu tưởng rằng họ và Mỹ đã nhất trí về một 'tối hậu thư' với Nga liên quan đến xung đột Ukraine, trước khi ông Trump khiến họ tỉnh mộng.

Lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Ba Lan ngày 10/5 đã có mặt tại Kiev, tiến hành hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với quốc gia này và gây sức ép buộc Nga chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày.

Tại Kiev, lãnh đạo của bốn quốc gia châu Âu đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 20 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các nguồn tin từ phía Anh, cuộc trao đổi này được mô tả là "ấm áp".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Anh Keir Starmer sau đó tổ chức họp báo, tuyên bố rằng họ ủng hộ lệnh ngừng bắn không kèm điều kiện tiên quyết, có hiệu lực từ ngày 12/5. Họ cũng khẳng định Tổng thống Trump ủng hộ "tối hậu thư" này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên ngoài Cánh Tây Nhà Trắng ngày 8/5. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên ngoài Cánh Tây Nhà Trắng ngày 8/5. Ảnh: AP

Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo rằng nếu Nga không đồng ý với đề xuất ngừng bắn, phương Tây sẽ tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt và đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Sau tuyên bố từ châu Âu, ông Trump xác nhận thông tin này và cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga nếu Moskva không chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn. Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg, cùng với các đồng minh Mỹ, cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với Nga.

Đây được xem là một nỗ lực ngoại giao phối hợp giữa châu Âu và Mỹ nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc gia tăng áp lực buộc Nga chấm dứt chiến sự. Trước đó, Mỹ vào tháng 3 cũng từng đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, tuy Ukraine đồng ý nhưng Nga từ chối.

Đây được coi là một trong những lần hiếm hoi Mỹ và các đồng minh châu Âu đạt được đồng thuận trong vấn đề Ukraine, sau nhiều tháng chính quyền Trump tỏ ra lạnh nhạt với các đối tác bên kia Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ngay trước khi "tối hậu thư ngừng bắn" có hiệu lực, Nga đã lên tiếng bác bỏ.

"Việc sử dụng ngôn từ kiểu tối hậu thư là không thể chấp nhận được với Nga. Chúng tôi cho rằng nó không phù hợp và các ông không thể nói chuyện với Nga bằng giọng điệu như vậy", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chỉ trích "giọng điệu kiểu tối hậu thư" và đưa ra một giải pháp thay thế: tổ chức đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5, nối lại tiến trình đối thoại từng đổ vỡ vào đầu năm 2022.

Dù Tổng thống Putin không nhắc đến đề xuất ngừng bắn của châu Âu, ý tưởng đàm phán trực tiếp ngay lập tức thu hút sự chú ý của ông Trump, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ thay đổi lập trường một cách chóng vánh.

Sự đồng thuận tưởng chừng vừa được thiết lập giữa châu Âu và Mỹ nhanh chóng tan biến. Ông Trump đã phản hồi tích cực với đề xuất từ phía Nga, nhưng lần này, quốc gia chịu áp lực lại là Ukraine.

"Tổng thống Putin không muốn thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine, mà muốn gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5 để đàm phán về khả năng chấm dứt đổ máu. Ukraine nên đồng ý ngay lập tức", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Bài đăng của ông Trump khiến Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp thuận đề xuất đàm phán tại Istanbul, do lo ngại việc từ chối sẽ khiến ông chủ Nhà Trắng không hài lòng, theo đánh giá của một số nhà ngoại giao am hiểu tình hình. Tổng thống Zelensky sau đó tuyên bố Ukraine sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Nga và đề nghị gặp trực tiếp ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nick Paton Walsh, nhà phân tích của CNN, nhận định rằng lời đề nghị gặp trực tiếp ông Putin là một nước cờ chính trị đầy rủi ro của ông Zelensky, bởi trước đây Tổng thống Ukraine từng ký sắc lệnh cấm đàm phán với Nga trong thời gian ông Putin còn tại vị.

Kể từ sau cuộc tranh cãi gay gắt tại Nhà Trắng hồi cuối tháng 2, ông Zelensky luôn nỗ lực tuân thủ các điều kiện do ông Trump đưa ra, bởi ông lo ngại nếu không làm vậy, Washington có thể ngừng viện trợ cho Kiev.

Một số nhà phân tích cho rằng có thể tồn tại một thỏa thuận ngầm giữa Moskva và Washington nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình. Một số khác thì nhận định ông Putin đưa ra đề nghị đàm phán để duy trì mối quan hệ tích cực với Mỹ và giảm bớt áp lực từ châu Âu về việc buộc ông Trump phải hành động cứng rắn hơn với Moskva.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết bài đăng của ông Trump, trong đó thúc giục Ukraine chấp nhận đàm phán trực tiếp với Nga, đã khiến nỗ lực của châu Âu nhằm vận động Mỹ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moskva bị đổ bể.

Một phần do sự thay đổi lập trường từ phía ông Trump, Anh đã quyết định hoãn công bố kế hoạch trừng phạt đối với đội tàu chở dầu "bóng đêm" của Nga, lực lượng giúp Moskva né tránh các lệnh hạn chế về năng lượng vốn dự kiến được công bố vào ngày 12/5.

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) vẫn dự kiến tiếp tục công bố gói trừng phạt mới vào cuối tháng này, các chuyên gia nhận định khối này đã đánh mất yếu tố "thay đổi cuộc chơi".

"Yếu tố thay đổi cuộc chơi sẽ là các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ, không chỉ vì tác động kinh tế mà còn vì biểu tượng chính trị nếu ông Trump cho rằng ông Putin là trở ngại cho chấm dứt xung đột", nhà bình luận Patrick Wintour của Guardian nhận định.

Từ trái sang: Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Tổng thống Ukraine, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Ba Lan tại Kiev hôm 10/5. Ảnh: AFP

Từ trái sang: Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Tổng thống Ukraine, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Ba Lan tại Kiev hôm 10/5. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang chờ xem liệu ông Putin có trực tiếp đến Istanbul để hội đàm với ông Zelensky, người mà Moskva không công nhận là Tổng thống hợp pháp của Ukraine do đã hết nhiệm kỳ hay không.

Trong vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm 2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là người dẫn đầu phái đoàn Moskva. Nếu lần này ông Putin trực tiếp tham gia, đây có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đang chịu áp lực thực sự từ phía Nhà Trắng, theo giới quan sát.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/5 không trực tiếp trả lời các câu hỏi liên quan đến việc đàm phán với ông Zelensky, thay vào đó cho biết Nga "tập trung vào việc nghiêm túc tìm kiếm cách thức để đạt giải pháp hòa bình lâu dài".

Cũng trong ngày 12/5, ông Trump bày tỏ khả năng ông Putin sẽ đến Istanbul và bản thân ông cũng có thể tham dự cuộc gặp. "Các bạn có thể có một kết quả tốt từ cuộc gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5 và tôi tin hai lãnh đạo sẽ ở đó. Tôi đã nghĩ tới việc bay tới đó, nhưng chưa chắc chắn vì có rất nhiều cuộc họp", ông nói.

Hiện chưa rõ liệu cuộc đàm phán trực tiếp có thực sự diễn ra hay không, bởi đến nay ông Putin vẫn chưa xác nhận việc tham dự. Tuy nhiên, theo giới quan sát, kết luận rõ ràng nhất từ những diễn biến vài ngày qua là ông Trump không cho rằng người đồng cấp Nga đang cố tình câu giờ, trái ngược với quan điểm của nhiều lãnh đạo châu Âu.

"Khi đứng giữa hai lựa chọn: hoặc là đoàn kết với các đồng minh châu Âu, hoặc là duy trì quan hệ tốt hơn với Nga, ông Trump đã chọn con đường thứ hai", bình luận viên Wintour nhận xét.

Theo CNN, The Guardian, AFP

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chau-au-bi-dong-truoc-buoc-ngoat-cua-ong-trump-ve-ukraine-317826.html
Zalo