Điều gì đã xảy ra ?
Thành phố St Albans ở Anh đang trở thành nơi đầu tiên đề xuất cấm trẻ dưới 14 tuổi sở hữu smartphone – một động thái gây chú ý trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia lo ngại về tác động của công nghệ lên sức khỏe tâm thần trẻ nhỏ.

Sau một năm thực hiện lệnh cấm, các trường tiểu học ở St Albans đã ghi nhận những kết quả đáng chú ý.
Trước khi áp dụng, tỷ lệ học sinh lớp 6 (khoảng 10–11 tuổi) sở hữu smartphone lên tới 68%. Sau một năm, con số này giảm mạnh xuống còn 7% .
Thành phố nhỏ, quyết định lớn
St Albans, một thành phố cổ kính cách thủ đô London, Anh khoảng 30 km về phía bắc, đang khơi mào một cuộc tranh luận lớn với đề xuất cấm trẻ dưới 14 tuổi dùng smartphone – trừ khi được cha mẹ cho phép rõ ràng.
Kiến nghị này do một nhóm phụ huynh khởi xướng và được Thị trưởng thành phố ủng hộ, đã thu hút hơn 5.000 chữ ký chỉ sau vài tuần phát động. Theo họ, smartphone và mạng xã hội đang lặng lẽ đánh cắp tuổi thơ của con trẻ.
Một báo cáo gần đây của Ủy viên Trẻ em cho thấy 69% trẻ từ 8 đến 15 tuổi dành tới ba giờ mỗi ngày cho các thiết bị kết nối internet, và 23% dành hơn bốn giờ mỗi ngày.
“Trẻ em đang mất khả năng tập trung, đối mặt với áp lực xã hội ngày càng lớn, và có nguy cơ nghiện công nghệ khi mới 10, 11 tuổi. Đây không còn là chuyện cá nhân mỗi gia đình mà là một vấn đề y tế cộng đồng”, Matthew Tavender, một phụ huynh trong nhóm vận động nói với The Guardian.
Người cha ấy không ngần ngại chia sẻ những khó khăn từ chính gia đình mình. “Tôi nghiện điện thoại. Thật sự nghiện,” anh thừa nhận.
Anh kể về một buổi tối điển hình: anh vừa xem golf trên TV vừa lướt điện thoại; vợ anh xem phim trên iPad và nhắn tin cho bạn bè; còn con gái thì vừa vẽ trên Chromebook vừa trò chuyện trên điện thoại.
“Ba người, sáu thiết bị. Chúng tôi không nói với nhau lời nào suốt hai tiếng. Chúng tôi phải làm gương cho con về hành vi tốt hơn”, anh nói.

Phụ huynh Matthew Tavender. Ảnh: Anselm Ebulue/The Guardian
Áp lực từ màn hình và mạng xã hội
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng smartphone quá mức với các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và hình ảnh cơ thể.
Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi 10 -14 - giai đoạn nhạy cảm về phát triển não bộ và cảm xúc - dễ bị tổn thương trước những nội dung không phù hợp, bắt nạt qua mạng hay sự so sánh tiêu cực trên mạng xã hội.
Theo khảo sát của tổ chức Common Sense Media (Mỹ), 43% trẻ 8–12 tuổi tại Anh sở hữu smartphone, con số này tăng lên 88% ở độ tuổi 13–18. Thời gian trung bình trẻ em dùng thiết bị mỗi ngày cũng lên tới hơn 5 tiếng, chưa kể thời gian học trực tuyến.
Nhiều phụ huynh thừa nhận họ đã “bất lực” trong việc kiểm soát con cái khi mà smartphone trở thành món đồ phổ biến từ rất sớm. Áp lực “ai cũng có, con mình không có sẽ bị tụt hậu” khiến nhiều gia đình phải nhượng bộ.
Nhưng theo giáo sư Jonathan Haidt, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học New York – tác giả cuốn sách mới The Anxious Generation (Thế hệ lo âu), đây là “một thỏa hiệp nguy hiểm”.
Ông cho rằng việc trẻ em dành quá nhiều thời gian tương tác qua màn hình thay vì chơi đùa trực tiếp đã làm suy giảm các kỹ năng xã hội và khả năng phục hồi tinh thần.
“Đó không chỉ là chuyện chúng nhìn vào màn hình nhiều hơn, mà là việc chúng không còn ra ngoài chơi, không tham gia hoạt động thể chất, không hình thành mối quan hệ ngoài đời thực. Sự mất mát này là nghiêm trọng”, ông cảnh báo.

Một số trường học tại St Albans đã tiến hành thu điện thoại khi học sinh mang đến trường. Ảnh: Getty Images
Không chỉ là vấn đề của nước Anh
Nỗi lo của St Albans không phải là cá biệt. Nhiều quốc gia và chuyên gia trên thế giới đang bắt đầu đặt câu hỏi: Chúng ta có đang để con trẻ tiếp cận quá sớm với một công cụ quá mạnh?
Tại Pháp, luật đã cấm học sinh tiểu học và trung học cơ sở dùng smartphone trong trường từ năm 2018. Ireland, trong khi đó, có một sáng kiến tương tự St Albans: nhiều cộng đồng cha mẹ tự nguyện cam kết không mua điện thoại thông minh cho con trước 12 tuổi.
Tại Mỹ, bang Florida mới đây cũng thông qua luật cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp và yêu cầu các trường dạy về nguy cơ mạng xã hội.
Tại châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc đã có những hạn chế về thời gian trẻ chơi game hoặc tiếp cận internet.

St Albans là thành phố tiên phong vận động cấm sự dụng smartphone với trẻ dưới 14 tuổi. Ảnh: Guardian
Chống lại công nghệ hay thay đổi cách dùng?
Nhiều chuyên gia giáo dục và phụ huynh lo ngại rằng việc cấm toàn diện có thể phản tác dụng, khiến trẻ giấu diếm hoặc mất cơ hội học hỏi những kỹ năng số cần thiết.
Thay vào đó, họ đề xuất cách tiếp cận cân bằng: dạy trẻ cách sử dụng công nghệ một cách an toàn và có giới hạn. Các nền tảng cũng cần chịu trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát nội dung và thời gian truy cập đối với người dùng trẻ tuổi.
“Câu hỏi không phải là nên có smartphone hay không, mà là làm thế nào để công nghệ phục vụ cho sự phát triển của trẻ thay vì phá hoại nó”, tiến sĩ Anya Kamenetz, chuyên gia giáo dục, nhận định.
Tại St Albans, cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn. Nhiều người ủng hộ kiến nghị coi đây là một lời cảnh tỉnh cho xã hội hiện đại, nơi mà tuổi thơ đang bị lập trình hóa bởi thuật toán.
Người phản đối thì lo ngại sự can thiệp của chính quyền vào quyền tự quyết của các gia đình.
Dù kết cục ra sao, động thái của St Albans đang mở ra một cuộc thảo luận cần thiết – không chỉ ở Anh mà trên toàn thế giới: Trẻ em nên được tiếp cận công nghệ như thế nào, và ai là người định hình điều đó?