Điều dưỡng BVĐK tỉnh Nam Định bị người nhà bệnh nhân đấm do mâu thuẫn từ trước
Theo báo cáo sơ bộ, do có mâu thuẫn phát sinh từ trước tại Khoa Nội nên khi sang Khoa Hồi sức, người nhà bệnh nhân đã đấm liên tiếp vào đầu và mặt nam điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Ngày 7/5, Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đã nhận được báo cáo sơ bộ từ Sở Y tế Nam Định liên quan vụ việc một điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà bệnh nhân hành hung.
Trước đó, sáng 4/5, nam điều dưỡng trên đưa bệnh nhân có diễn biến nặng xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Người bệnh này đã điều trị tại viện trong 10 ngày trước đó. Khi đến Khoa Hồi sức, do có mâu thuẫn phát sinh từ trước, người nhà bệnh nhân đã đấm liên tiếp vào đầu và mặt nam điều dưỡng.
Theo Tiến sĩ Đức, cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Dù vì bất kỳ lý do gì, hành vi hành hung cán bộ y tế là không thể chấp nhận”.
Đây là vụ bạo hành nhân viên y tế thứ hai trong vòng 10 ngày, sau vụ việc xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Khi đó, bệnh nhân sốc phản vệ đang được cấp cứu, người nhà bệnh nhân đã gào thét, tấn công một nam điều dưỡng.
Nguy cơ gia tăng, đòi hỏi cơ chế bảo vệ thực chất
Tiến sĩ Đức nhấn mạnh, tình trạng bạo hành cán bộ y tế không phải mới, thậm chí từng có bác sĩ tử vong do bị tấn công tại nơi làm việc. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía, trong đó không loại trừ áp lực từ hệ thống y tế quá tải.
Hiện nay, mỗi năm, các cơ sở y tế cả nước thực hiện khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh, trong khi nhân lực y tế chưa đáp ứng đủ, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối. Mặt khác, tâm lý người bệnh thường kỳ vọng được khám nhanh, chu đáo.
“Ở Anh, chụp MRI có thể phải chờ 3 tháng, nhưng ở nước ta, chỉ cần chờ từ sáng đến chiều chưa chụp được là bệnh nhân đã phản ánh vì chờ lâu”, ông Đức chia sẻ để làm rõ áp lực từ kỳ vọng vượt quá khả năng đáp ứng thực tế của ngành y.
Ông cũng thừa nhận, trong một số tình huống, có thể xảy ra trường hợp cán bộ y tế ứng xử chưa đúng mực do chịu nhiều áp lực. Những vụ việc tưởng chừng nhỏ có thể bùng phát thành xung đột nếu cả hai bên - y bác sĩ và người nhà bệnh nhân - đều thiếu kiểm soát cảm xúc.
Theo ông Đức, Bộ Y tế đã ban hành quy chế về đạo đức, ứng xử trong ngành y, với quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”. Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường an toàn cho cán bộ y tế hành nghề, người dân cũng cần chia sẻ và tôn trọng quy trình chuyên môn. "Cán bộ y tế nào cũng vậy, đã bước chân vào nghề y thì ai cũng có tâm nguyện là cứu người”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các giải pháp hướng tới giảm tối đa nguy cơ xảy ra những xung đột không đáng có cho cả cán bộ y tế và người bệnh khi vào cấp cứu. Trong đó, quy trình đón tiếp người bệnh phải chuyên nghiệp.
Một trong những vấn đề cần được xem xét là tình trạng người bệnh vào viện kèm theo quá nhiều người nhà, thậm chí tới 5-7 người. Điều này gây khó khăn trong tiếp đón, tăng nguy cơ xung đột, đặc biệt tại nơi cấp cứu. Một ý kiến đang được cân nhắc là giới hạn số người nhà đi cùng trong các khu vực khám, điều trị nhằm giảm thiểu rủi ro.
Song song, lực lượng bảo vệ và cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương cần có mặt kịp thời khi có va chạm xảy ra trong cơ sở y tế. “Chỉ cần có sự hiện diện của lực lượng công an tại cơ sở y tế đã giúp nhân viên y tế yên tâm hơn rất nhiều”, ông Đức nhận định.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng giải pháp bảo vệ nhân viên y tế một cách thực chất.