Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách
TSKH. Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, việc Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ và Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách để nhanh chóng điều chỉnh nội dung Quy hoạch điện VIII và đề xuất các giải pháp cung ứng đủ điện trong giai đoạn phát triển tăng tốc sắp tới.

Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến rộng rãi về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn về Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Đánh giá môi trường chiến lược diễn ra sáng 17/2/2025, Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) TSKH. Trần Kỳ Phúc cho biết, kể từ khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đến nay, bối cảnh trong nước và bối cảnh quốc tế đã có nhiều chuyển biến, trong đó, nền kinh tế trong nước đang lấy lại đà tăng trưởng sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. GDP năm 2024 đã đạt mức 7,09% và đất nước đang tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, đưa quốc gia dân tộc lên một tầm cao mới.
"Để đáp ứng được nhu cầu phát triển mới này, chúng ta cần có sự chuẩn bị mọi mặt và đặc biệt là đối với hạ tầng năng lượng, hạ tầng điện lực" - TSKH. Trần Kỳ Phúc nhấn mạnh và cho biết thêm, theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì GDP giai đoạn 2026-2030 sẽ phấn đấu tăng trưởng hai con số, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7-7,5% theo Quy hoạch điện VIII trước đây.
Chỉ thị số 01/CT-TTg cũng đặt ra yêu cầu cấp bách, tập trung rà soát để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về phát triển kinh tế - xã hội để cập nhật, bổ sung các nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời, loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, năm 2024, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tái đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch không gian biển quốc gia cũng là một trong những quy hoạch rất quan trọng đối với ngành điện, ngành năng lượng. Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn đã và sắp được ban hành, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của ngành điện.
Mặt khác, việc đầu tư phát triển điện lực trong thời gian qua mặc dù đã hết sức nỗ lực nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn do nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, theo đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số mục tiêu và nội dung trong Quy hoạch điện VIII.
Ngoài ra, về cơ pháp lý, các quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch phát triển điện lực cần được rà soát định kỳ 5 năm/lần để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
"Vì vậy, việc Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ và Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách để nhanh chóng điều chỉnh nội dung Quy hoạch điện VIII và đề xuất các giải pháp cung ứng đủ điện trong giai đoạn phát triển tăng tốc sắp tới" - TSKH. Trần Kỳ Phúc nhấn mạnh.

Theo TSKH. Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), việc Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách
Về các tiếp cận, quan điểm đối với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, ngoài những nguyên tắc chung, kế thừa từ Quy hoạch điện VIII như phát triển điện lực phải theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí đầu tư vào ngành hệ thống điện trong cả kỳ quy hoạch trên phạm vi toàn quốc; phát triển điện lực phải gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với hci phí hợp lý.
Đối với Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, các tổ chuyên gia đã đưa ra một số cách tiếp cận mới, cụ thể:
Thứ nhất, phát triển nguồn điện ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước thì bao gồm cả nhu cầu công suất nguồn điện cho mua bán điện trực tiếp, đồng thời, cũng xét đến nhu cầu xuất khẩu điện và sản xuất năng lượng mới.
Thứ hai, bên cạnh việc phát triển hợp lý nguồn nhiệt điện, đưa điện hạt nhân, các công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn cao trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Thứ ba, phát triển tối đa nguồn năng lượng tái tạo theo tiềm năng, thế mạnh từng vùng, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật trong từng giai đoạn quy hoạch, phù hợp với nhu cầu điện tại chỗ, sự phát triển của khoa học công nghệ kết hợp với đầu tư lưới điện thông minh bao gồm hệ thống lưu trữ điện (thủy điện tích năng, pin tích năng), hệ thống giám sát và điều khiển, điều độ thông minh,… để đảm bảo độ tin cậy và chất lượng dịch vụ cung cấp điện.
Thứ tư, phát triển hợp lý lưới truyền tải điện liên vùng, liên miền để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của các vùng, góp phần tối thiểu hóa chi phí sản xuất điện toàn hệ thống.
Thứ năm, tăng cường hơn nữa liên kết trao đổi, hợp tác về điện với các nước láng giềng, các nước trong ASEAN để tận dụng tốt tiềm năng năng lượng của từng nước, tối ưu hóa vận hành hệ thống liên kết.
Cuối cùng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực, bao gồm cả đầu tư với truyền tải trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện theo cơ chế thị trường về giá mua, bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng miền.
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương, tập trung vào các nội dung như sau: điều chỉnh dự báo nhu cầu tiêu thụ điện; điều chỉnh chương trình phát triển nguồn điện; điều chỉnh chương trình phát triển lưới điện; bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực; tổng hợp vốn đầu tư và phân tích kinh tế tài chính của các chương trình phát triển điện lực; và các giải pháp về cơ chế thực hiện Quy hoạch điện.
Báo cáo đánh giá về môi trường chiến lược Quy hoạch điện VIII gồm 5 Chương với các nội dung chính như sau: phạm vi đánh giá môi trường chiến lược; phân tích, đánh giá tác động của Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đối với môi trường; các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch.



Đại diện đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày các nội dung trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo đã có các tham luận giới thiệu về các vấn đề: Dự báo nhu cầu phụ tải điện; Chương trình phát triển nguồn điện; Chương trình phát triển lưới điện; Đánh giá môi trường chiến lược Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; Vốn đầu tư và các chỉ tiêu kinh tế giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch;...
Hội nghị cũng đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu là đại diện Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, các trường đại học, hiệp hội, các tổ chức quốc tế và một số chuyên gia độc lập hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, điện lực và năng lượng về các vấn đề được đề cập trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Tăng Thế Hùng phát biểu kết luận tại Hội thảo
Kết luận tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Tăng Thế Hùng cho biết, yêu cầu về tiến độ xây dựng Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là rất gấp, theo đó, đề nghị Viện Năng lượng khẩn trương tiếp thu và tính toán bổ sung các ý kiến đóng góp xác đáng tại Hội nghị, cùng với đó, rà soát kỹ lại các giải pháp cũng như cơ chế trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tới đây, Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sẽ tiếp tục được trình lên Hội đồng Thẩm định để tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách.
"Một lần nữa thay mặt cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương về triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trân trọng cảm ơn các đại biểu đã dự và có những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, đồng thời, chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp bằng văn bản để có thể hoàn thiện và trình lên Đề án đảm bảo về chất lượng cũng như tính khả thi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", Phó Cục trưởng Tăng Thế Hùng nhấn mạnh.