Đảng ta luôn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội

Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân; đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội(1). Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, chứng minh Đảng ta luôn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng chủ trương, đường lối và tính đúng đắn trong các chủ trương, đường lối đó; bằng việc xây dựng tổ chức Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; bằng công tác cán bộ (CB), cử những đảng viên (ĐV) đủ phẩm chất và năng lực để tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; bằng việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) của Đảng; bằng tuyên truyền, giáo dục thuyết phục và nêu gương của CBĐV. Từng phương thức lãnh đạo, Đảng ta đã đạt những thành tựu hết sức tự hào. Cụ thể:

Thứ nhất, Đảng ta lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng đường lối, chủ trương và tính đúng đắn trong các đường lối, chủ trương đó.

Từ khi ra đời, Đảng ta xây dựng Cương lĩnh đầu tiên gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng để định hướng chiến lược cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đảng ta đánh giá, dự báo chính xác tình hình và xác định nhiệm vụ chiến lược, sách lược đúng đắn, hợp quy luật khách quan đã hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, dễ đi vào cuộc sống để nhân dân thực hiện hiệu quả.

Từ đó, Đảng ta có đủ uy tín, sự tin cậy của nhân dân để họ tự nguyện trao quyền lãnh đạo cho Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định “khi quần chúng thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(2).

Nhờ Đảng ta hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân mà mới 15 tuổi với 5.000 ĐV, Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đánh bại thực dân Pháp, quân phiệt Nhật và ách thống trị phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Tiếp sau đó, với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một minh chứng không gì thuyết phục hơn cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cho sức mạnh vô địch của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân, dân ta lần lượt đánh bại hết chiến lược này đến chiến lược khác của giặc Mỹ và tay sai, viết nên trang sử rực rỡ nhất của dân tộc ta bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh kéo dài 30 năm, Đảng ta lãnh đạo nhân dân bước vào một thời kỳ thử thách mới, lãnh đạo phát triển KT-XH trong điều kiện biên giới phía Nam và phía Bắc còn chưa yên, trên thế giới còn có những thế lực chống phá, bao vây cấm vận hòng xóa bỏ những thành tựu cách mạng mà dân tộc ta đã giành được bằng cả xương máu của mình.

Từ trong khó khăn, thử thách đó, Đảng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, dám chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân để khắc phục, mở ra một hướng đi mới cho dân tộc đó là đường lối “đổi mới” được Đại hội lần thứ VI của Đảng hoạch định và lãnh đạo toàn dân thực hiện.

Nghị quyết (NQ) số 05-NQ/TW, ngày 20/6/1988 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện NQ Đại hội VI của Đảng” nhấn mạnh: “Kiên quyết phê phán và khắc phục tư tưởng bảo thủ không muốn đổi mới, vì nhận thức lạc hậu hoặc vì động cơ duy trì địa vị và quyền lợi cá nhân, đồng thời khắc phục tư tưởng nóng vội, thoát ly thực tế. Rất coi trọng đấu tranh chống những phần tử cơ hội, thiếu trung thực, lợi dụng đổi mới để luồn lách, hành động sai trái hòng thỏa mãn những tham vọng cá nhân”(3).

Tiếp theo đó, Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, Đảng ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, thường xuyên bổ sung, phát triển, đưa ra từng quan điểm chỉ đạo phù hợp với xu thế của thời đại. Vì vậy, hiện nay, “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ và tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(4).

Thứ hai, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.

Để xứng đáng là người lãnh đạo, Đảng ta phải là một tổ chức thật sự vững mạnh. Vì vậy, Đảng ta thường xuyên tổng kết thực tiễn để hoàn thiện mô hình tổ chức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức; khắc phục tình trạng cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức.

Thực tế trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đến nay, nhiệm kỳ nào Đảng ta cũng có các NQ chuyên đề về xây dựng Đảng.

Đặc biệt, xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức vẫn được chú trọng, ngày 25/10/2017, Đảng ta ban hành NQ số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Để đưa NQ vào cuộc sống, ngày 28/12/2024, Bộ Chính trị ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

Tại buổi trao quyết định, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc 13 cơ quan Đảng, đoàn thể ở Trung ương hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, tinh thần gương mẫu, quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của từng cơ quan và sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương.

Kết quả này đáng phấn khởi, mở đầu cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Bộ máy Chính phủ đã tinh gọn hơn: “Giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ; giảm 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 518 cục và tổ chức tương đương; giảm 218 vụ và tổ chức tương đương; giảm 2.958 chi cục và tương đương; giảm 201 đơn vị sự nghiệp công lập”(5).

Thứ ba, Đảng ta đã xây dựng đội ngũ CB đủ phẩm chất và năng lực, đủ “tâm”, đủ “tầm” và đủ “chí” vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.

CB là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hoặc thất bại là do CB tốt hay kém; CB là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ CB đủ phẩm chất và năng lực.

Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng ta ban hành 3 NQ về CB: NQ Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược CB thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; NQ Trung ương 9 (khóa X) về tổng kết 10 năm thực hiện NQ Trung ương 3 (khóa VIII), NQ Trung ương 7 (khóa XII) “Tập trung xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Những nỗ lực trong công tác CB đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng về công tác CB. Đội ngũ CB có nhiều chuyển biến, nâng cao năng lực lãnh đạo và ý thức phục vụ nhân dân hơn, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Tổng kết 20 năm thực hiện NQ Trung ương 3 (khóa VIII), Đảng ta khẳng định: “Đa số CB lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. CB cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện”(6).

Thứ tư, Đảng ta luôn tăng cường, làm tốt công tác KTGS.

KTGS vừa là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Công tác KTGS góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của từng giai đoạn cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới, nâng cao phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và CB. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm và các nguyên tắc của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Qua từng nhiệm kỳ đại hội, nhất là từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta xây dựng, bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác KTGS, kỷ luật Đảng. Vì vậy, công tác KTGS luôn được đổi mới, tăng cường tương xứng, ngang tầm trong thực tiễn từng nhiệm kỳ.

Trên cơ sở những quy định, hướng dẫn, Đảng ta tiến hành KTGS hết sức nghiêm túc, chặt chẽ và xử lý kịp thời sai phạm. Chỉ riêng nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII, cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra 264.091 tổ chức Đảng và 1.124.146 ĐV; Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức Đảng và 47.701 ĐV (trong đó có 23.432 cấp ủy viên).

Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức Đảng và 69.600 ĐV; Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 ĐV (trong đó 53 đồng chí là CB thuộc Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý). Nhờ vậy, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, dư luận quan tâm đã được xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh.

Sự phối hợp giữa KTGS của Đảng với thanh tra, kiểm toán Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn. Việc công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức Đảng, ĐV trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động tích cực, góp phần tác động giáo dục CBĐV, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ năm, Đảng ta luôn phát huy tính tiên phong gương mẫu của CBĐV trong thực hiện vai trò lãnh đạo.

Để nhân dân tin tưởng tuyệt đối và đi theo cách mạng, Đảng ta phải thực hiện tốt câu nói mà nhân dân tôn vinh “ĐV đi trước, làng nước theo sau”. Mỗi CBĐV phải thật sự tiên phong, gương mẫu.

Chỉ 6 năm, Đảng ta ban hành 3 quy định về nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là CB chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của CBĐV; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Nhờ quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các quy định nêu gương, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống suy thoái trong một bộ phận không nhỏ CBĐV, nhất là người đứng đầu từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Từ đó, nhân dân luôn vững tin mà trao quyền lãnh đạo cho Đảng.

Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đây là bằng chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền của Đảng; khẳng định chân lý “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi”; khẳng định tính tất yếu là dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam cần có Đảng lãnh đạo để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội./.

Đoàn Xê

1. Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013

2. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t3 tr 139.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t49, tr 268-269.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, 2021 tr 25.

5. Báo cáo 219/BC-BNV, ngày 11-01-2025: tr 4-5.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khóa XII, VPTUĐ, H, 2018 tr 45-46.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2,Nxb CTQG-ST,2021 tr 200.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dang-ta-luon-xung-dang-la-luc-luong-lanh-dao-nha-nuoc-va-xa-hoi-a190687.html
Zalo